Chủ trương này xuất phát từ thực trạng dù đã có cơ chế, quy định để đánh giá, đào thải đối với đội ngũ công chức, viên chức có tư duy kiểu “người Nhà nước”, vào được Nhà nước là yên tâm ở đó. Khi vào được bộ máy Nhà nước, không ít người lại cậy quyền cậy thế, trong quá trình thực thi nhiệm vụ luôn gây khó khăn, cản trở cho người dân, doanh nghiệp, khiến hình ảnh người cán bộ, công chức viên chức ngày một xấu xí.
Đó là còn chưa kể, nhiều viên chức được tuyển dụng từ hàng chục năm nay nhưng rất trì trệ, lười làm việc, chỉ biết đòi hỏi quyền lợi, nhiều khi còn chống đối, cản trở sự phát triển. Cũng chính vì thế, chúng ta mới thấy những thành phần “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, nhiều người không có năng lực chuyên môn làm việc vẫn ung dung đến tháng nhận lương.
Sự thay đổi này của Luật Cán bộ, công chức và
Luật Viên chức được kỳ vọng là chỉ dấu tích cực cho công tác tuyển dụng nhân sự của các cơ quan nhà nước khi xóa bỏ cái được cho là “vùng an toàn”. Mỗi người được tuyển sẽ phải nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ vì nếu không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ sẽ phải nhường cơ hội cho người nhiệt huyết hơn cống hiến.
Đây cũng là giải pháp chọn lọc tự nhiên đưa những người yếu kém, cơ hội ra khỏi bộ máy để người dân được hưởng những dịch vụ tốt hơn. Đồng thời nó cũng khuyến khích được những người làm việc hiệu quả, giữ chân được người tài, dần dần xoá bỏ việc “chảy máu chất xám”.