Mất an toàn đường sắt – hậu quả lớn
Đường sắt Bắc - Nam đi qua Hà Tĩnh dài hơn 70km, thuộc địa phận ba huyện Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê. Ở thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đang có 120 điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, trong đó chỉ có 28 điểm hợp pháp (12 điểm có gác chắn, 16 điểm cảnh báo tự động), còn 92 điểm là lối đi tự mở (đường ngang dân sinh), không được cấp phép.
Điều rất đáng lo, tại các địa phương này đã từng xảy ra nhiều vụ mất an toàn với tàu hỏa, trên lối đi dân tự mở gây thiệt hại người và tài sản. Ông Ngô Xuân Tân, Chủ tịch UBND xã Hương Thủy, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho hay: đường sắt đi qua địa bàn hơn 40km, trải dài trên 12 xã, thị trấn với gần 60 lối đi tự mở ngang đường sắt. Do nhu cầu đi lại của người dân, nhưng thiếu đường gom nên họ tự ý mở các lối đi dân sinh; hơn nữa, một số lối đi tự mở nằm ngay tại khúc cua của đường ray, bị cây cối che khuất tầm nhìn nên tiềm ẩn rủi ro lớn. Đã có những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra từ những lối đi dân sinh này.
Nghệ An cũng là địa phương có tuyến đường sắt đi ngang chiếm số lượng lớn. Toàn tỉnh có 2 tuyến đường sắt, nhưng tuyến đường Bắc-Nam dài 95,5km và qua địa phận thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Thành phố Vinh, Hưng Nguyên đang có rất nhiều lối mở mất an toàn.
Ngay như tại địa phận thị xã Hoàng Mai, đang có 18 lối đi tự mở, với nhiều vị trí chưa có gác chắn tự động, chưa có người hướng dẫn… tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Điển hình là vào khoảng 16h20 chiều 2/5/2023, tại Km 241+200, đoạn qua địa bàn khối Tân Hùng, phường Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai), ô tô con mang BKS 36A- 445.xx đang lưu thông từ đường dân sinh ra QL1A, khi đi qua đường sắt không có gác chắn, thì va chạm với tàu SE12 lưu thông hướng Vinh-Hà Nội. Vụ tai nạn đã khiến chiếc xe ô tô bị tàu hất văng vào lề đường hư hỏng nặng. Lái xe ô tô sau đó đã được người dân hỗ trợ đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Nhưng vì sao, câu chuyện mất an toàn đường sắt – một con đường chỉ dành riêng cho tàu hỏa,,lại có tỷ lệ mất an toàn giao thông lớn đến như vậy.
Hàng loạt nguyên nhân cũng đã được chỉ ra, như việc người dân tự ý lắp đặt một số công trình, vật dụng trên đất của đường sắt, đổ bê tông trên đất đường sắt; vi phạm phạm vi bảo vệ kết cấu cầu, đường, hành lang an toàn giao thông đường sắt; hộ dân tự ý xây dựng công trình trên đất dành cho đường sắt, để các vật dụng, quảng cáo che khuất tầm nhìn. Đặc biệt, là tình trạng người dân tự ý mở các tuyến đường dân sinh cắt ngang đường sắt, nhưng qua lại thiếu quan sát… là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến số vụ tai nạn giao thông đường sắt vẫn neo cao.
Cần sự vào cuộc của các địa phương
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt tại một số tỉnh, thành phố vẫn diễn biến phức tạp, chưa được giải quyết triệt để. Điển hình trong số này là các tuyến đường sắt đi qua các tỉnh Bình Thuận, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Lạng Sơn, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Trị, Bình Định, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh,...
Trong số các địa phương thường xuyên ghi nhận tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, có những khu vực là điểm đen về tai nạn giao thông đường sắt như các huyện Mỹ Lộc, Ý Yên (Nam Định); Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc (Nghệ An), Hương Khê (Hà Tĩnh)…
Trước tình hình này, Cục Đường sắt Việt Nam có văn bản gửi ban an toàn giao thông các tỉnh có đường sắt đi qua phải tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo thu hẹp, giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở cắt ngang đường sắt. Trong thời gian chờ xóa bỏ các lối đi tự mở, các đơn vị cần bố trí nhân lực cảnh giới an toàn giao thông tại các vị trí này và các vị trí điểm đen nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường sắt. Ưu tiên kinh phí đầu tư xây dựng hàng rào, đường gom và công trình phụ trợ khác để xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt; giải tỏa các vị trí vi phạm tầm nhìn, hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Tuy nhiên, kinh phí vẫn là vấn đề khó khăn làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn đường sắt. Nhìn từ tỉnh Hà Tĩnh sẽ thấy rõ điều này. Theo Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Tân, lực lượng chức năng và các cấp chính quyền 3 huyện Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê đã có nhiều nỗ lực trong xóa bỏ lối đi tự mở ngang qua đường sắt, nhưng kết quả lại chưa được như kỳ vọng.
Nguyên nhân là do phần lớn các lối đi tự mở giao cắt với đường sắt được hình thành từ rất lâu, trong đó có nhiều tuyến đường độc đạo để đi lại, hay ra đồng sản xuất nông nghiệp nên khi xóa bỏ các lối này sẽ gây bất tiện trong sản xuất của người dân nên việc tuyên truyền, vận động gặp khá nhiều khó khăn.
"Để xóa bỏ dứt điểm các lối đi tự mở trên địa bàn tỉnh cần phải xây dựng gần 30km đường gom, 9 đường ngang, 8 hầm chui, với nguồn kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng nên để cân đối ngân sách là điều không hề dễ dàng, thậm chí là khó khả thi nếu không có sự hỗ trợ từ bộ, ngành Trung ương”, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Tân chia sẻ .
Theo lộ trình được đặt ra trong Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2020, thì mục tiêu đến năm 2025 sẽ xóa bỏ toàn bộ lối đi dân sinh qua đường sắt. Đến nay, sau 3 năm triển khai, chưa đến 700 vị trí, chỉ khoảng 20% tổng số lối đi dân sinh tự mở được xóa bỏ.
Thông tin từ Cục Đường sắt Việt Nam cũng cho thấy, toàn mạng lưới đường sắt có hơn 5.000 vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, trong đó hơn 1.500 đường ngang, chiếm tỉ lệ 30% và hơn 3.500 lối đi tự mở, chiếm tỷ lệ 70%. Con số này, là thách thức không hề nhỏ trước thực tế thiếu kinh phí để xóa bỏ đường ngang, lối mở dân sinh mà các địa phương đang vấp phải.
Nếu chưa khai thông, gỡ khó được nguồn vốn, thì mất an toàn đường sắt vẫn tiếp tục neo cao cả về số vụ và mức độ thiệt hại.