Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xoá bỏ lao động trẻ em: Cần sự chung tay từ nhiều phía

PV - 10:13, 28/06/2019

Theo Báo cáo Khảo sát quốc gia của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) tại Việt Nam và Tổng cục Thống kê thực hiện, hiện Việt Nam có 1,75 triệu lao động trẻ em, chiếm 9,6% số trẻ em. Do đó, vấn đề xoá bỏ tình trạng lao động trẻ em (LĐTE) ở nước ta đặt ra nhiều thách thức, cần sự chung tay của toàn xã hội.

Trẻ em lao động sớm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tiềm năng phát triển. (Ảnh: TL)  Trẻ em lao động sớm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tiềm năng phát triển. (Ảnh: TL)

Lao động trẻ em-lợi ít, hại nhiều

Em Nguyễn Kim Huy (14 tuổi, Đô Lương, Nghệ An) ngay khi kết thúc chương trình học ở trường, đã được bố mẹ cho đến Hà Nội làm việc tại một quán phở. Công việc của em là bưng bê và quét dọn, mỗi ngày trung bình em phải làm việc hơn 10 giờ. “Em có 4 anh chị em, hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn nên em đi làm thêm giúp đỡ bố mẹ”. Rõ ràng trong những câu chuyện như vậy, Huy và cả bố mẹ em đều không ý thức được rằng mình đang vi phạm pháp luật về lao động trẻ em.

Trên thực tế, trẻ em miền núi bán đồ lưu niệm, ở những khu du lịch như ở Lào Cai, Hà Giang, Sơn La,… vẫn xuất hiện khá nhiều. Ngay trên địa bàn Hà Nội, nhiều làng nghề của huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai… cũng sử dụng lao động trẻ em.

Đáng chú ý, theo thống kê của Bộ LĐTB&XH và ILO, trong số lao động trẻ em chỉ có 45,2% hiện vẫn còn tiếp tục đi học, 52% đã thôi học và 2,8% chưa bao giờ đi học.

Theo quy định của Bộ luật Lao động, trẻ từ 15 tuổi trở lên có những điều kiện đầy đủ như học hành, có sức khỏe mới được lao động. Tất nhiên, lao động ở mức độ nào cũng là điều mà cha mẹ cho đến những người sử dụng lao động cần lưu ý. Trong đó, có những quy định như không được làm ban đêm, không được làm 8 giờ mỗi ngày và không được làm những công việc cấm. LĐTE không chỉ ảnh hưởng tới tương lai của chính các em mà còn tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, nhất là chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Ông Đặng Hoa Nam Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, không ít lao động trẻ em dưới 15 tuổi phải làm bất cứ việc gì để kiếm tiền. Lao động sớm làm ảnh hưởng đến quyền tiếp cận giáo dục của trẻ, khiến trẻ không có cơ hội học hành, phát triển nhân cách phù hợp với độ tuổi. Điều này đặt các em vào những nguy cơ dễ bị bóc lột, dễ bị lạm dụng, thậm chí là bị buôn bán, bạo lực, bạo hành. Trẻ em tham gia lao động sớm có thể tạo ra lợi ích vật chất cho xã hội, nhưng về lâu dài, lợi ích do lao động trẻ em mang lại không thể bù đắp sự thiệt thòi mà các em phải gánh chịu cũng như hệ lụy đối với gia đình, xã hội.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho biết, Việt Nam là một nước lao động thuần nông, ranh giới giữa trẻ em giúp gia đình lao động với lao động quá sức rất gần. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật trong cộng đồng, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sử dụng LĐTE trái quy định.

Ngoài nhóm giải pháp giảm nghèo nông thôn và cải thiện sinh kế, việc làm cho thanh thiếu niên, có thể nói truyền thông đóng một vai trò quan trọng để có thể tiến tới “Nói không với lao động trẻ em”. Các gia đình phải được tuyên truyền một cách đầy đủ, giúp các bậc cha mẹ nhận thức về quyền trẻ em, trẻ có thể lao động ở mức độ nào, làm những công việc gì. Cha mẹ không nên khuyến khích con làm việc quá sức hoặc quá thời gian, nhất là có những nghề không nên dạy cho trẻ quá sớm.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cũng đề cập, trong nhóm giải pháp tuyên truyền vận động, báo chí, các cơ quan truyền thông nên tích cực đưa tin, phát hiện những vấn đề trong thực tế về LĐTE, cần chú ý quan tâm nhiều đến khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS để cho người dân hiểu tác hại của việc trẻ em lao động sớm để tự giác thực hiện luật. Những vấn đề được nêu lên có giá trị cảnh báo, đồng thời các cơ quan ban ngành và xã hội biết để có thể cùng nhau đưa ra những giải pháp xử lý kịp thời.

HỒNG PHÚC

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.