V-League đã kinh qua 2 năm không suôn sẻ khi liên tục tạm hoãn, thay đổi thể thức thi đấu, đỉnh điểm là việc hủy bỏ mùa giải 2021. Những lần gián đoạn đã mang đến nhiều hệ lụy cho bóng đá nước nhà.
Mùa giải mới khởi đi trong bối cảnh bóng đá nước nhà liên tiếp đón nhận tin vui đầu năm từ các ĐTQG. Điều này đã tạo động lực, cảm hứng cho mọi thành phần tham gia giải.
V-League 2022 sẽ quay trở lại phương thức thi đấu truyền thống với 2 lượt đi - về, 26 vòng đấu. Sự cạnh tranh dài hơi trên đường đua vô địch đồng nghĩa tăng thêm độ hấp dẫn. Đã lâu rồi, mới thấy V-League có nhiều đội bóng hô quyết tâm vô địch, có huy chương như năm nay. Tham vọng được dõng dạc tuyên bố trong lễ xuất quân, chứ không chỉ giấu vào lòng.
Lâu nay, vẫn thấy nhiều CLB bước vào giải một cách “rón rén” khi chỉ đưa ra chỉ tiêu trụ hạng là chính. Một giải đấu có chất thì cuộc đua vô địch phải có nhiều đội phát tín hiệu, mới tạo sự đa dạng, nhiều sắc màu cho sân chơi quốc nội.
Mùa giải năm nay, đã có thêm những nhà đầu tư mới đến với các đội bóng. Chính điều này đã tạo ra những bước chuyển mình mang theo diện mạo tươi tắn.
Mùa giải mới còn được kỳ vọng thực sự là bước ngoặt tạo ra nền móng vững chắc cho ĐTQG. Sau quãng thời gian thành công, ĐTQG và cả U23 đã có dấu hiệu “đứt gãy” về lứa kế cận. Vì thế, khi V-League được trở lại cũng sẽ là sân khấu để cầu thủ trình diễn năng lực của mình, nhất là cầu thủ trẻ.
Câu chuyện tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ thi đấu ở V-League đã được nhắc đến nhiều lần. Tuy nhiên, danh hiệu và thành tích đôi khi vẫn là rào cản cho vấn đề này. Chính áp lực thành tích buộc nhiều CLB tại V-League phải sử dụng cầu thủ ngoại, đặc biệt các vị trí hàng công, vì thế đã góp phần triệt tiêu đi cơ hội cho nhân tố trẻ. HLV Park Hang Seo đã hơn một lần chia sẻ điều này. Do đó, muốn “canh tân” ĐTQG phải cần sự đồng bộ.
Đã từng có lúc VPF đưa ra ý tưởng trong việc quy định đăng ký và sử dụng cầu thủ trẻ tại V-League. Vì tương lai của bóng đá nước nhà, có thể đã đến lúc ý tưởng như cần phải được áp dụng vào thực tế của giải đấu.
V-League 2022 muốn cải thiện được hình ảnh theo chiều hướng tốt lên, tất cả phải hành xử một cách chuyên nghiệp. Bạo lực sân cỏ, tranh cãi trọng tài, biểu hiện các dạng thức tiêu cực…, phải được đoạn tuyệt từ ý thức. Làm sao đừng các vấn nạn trên trở thành “đặc sản” V-League như điều tiếng trước đây. Các vị “Vua sân cỏ” phải làm tròn trách nhiệm của mình một cách nghiêm minh và trung thực nhất. Bản thân VPF cũng cần chủ động mọi phương án ứng biến và nâng tầm công tác tổ chức, điều hành.
Bỏ lại sau lưng những nỗi lo khi dịch chưa tan, trái bóng mùa giải mới sẽ lăn vào ngày mai trong tâm thế phấn chấn. Ngay cả truyền thông trong nước cũng háo hức. Mấy ngày qua, nhiều phóng viên thể thao gửi cho nhau hình ảnh thẻ tác nghiệp và áo hành nghề. Tôi nhận được lời nhắn: “Ra sân chiến thôi! Mong năm nay được sử dụng thẻ cả mùa giải chứ không dùng nửa chừng rồi giữ làm kỷ niệm như năm trước”.
Nói thế để thấy, tất cả đều đang háo hức chờ ngày bóng lăn. Vậy nên, làm thế nào để V-League được diễn ra an toàn trong trạng thái “thích ứng cùng dịch bệnh” cũng được đặt lên hàng đầu. VFF, VPF cũng mỗi CLB hẳn đã “thấm” bài học từ hai năm qua để biết trọng nghề, làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm cho mùa giải năm nay.
Tóm lại, tất cả dứt khoát phải thay đổi sâu sắc hơn về tư duy và hành động. Thay đổi để không chỉ nâng tầm giải đấu, còn đáp ứng yêu cầu phát triển bóng đá nước nhà. V-League chính là bệ phóng cho của các ĐTQG.
Cùng chúc cho mùa giải mới của bóng đá nước nhà “đi đến nơi, về đến chốn”, cái thiện cả chất lẫn lượng.