Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Xây dựng NTM ở các xã bãi ngang ven biển và hải đảo: Nhiều cái khó!

PV - 14:30, 09/04/2018

Sau hơn 06 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã làm cho các vùng quê của tỉnh Quảng Ngãi bừng lên sức sống mới. Tuy nhiên, các xã bãi ngang ven biển và hải đảo với những đặc thù điều kiện tự nhiên, địa hình lại gặp không ít khó khăn, thách thức trên hành trình chinh phục NTM.

Ông Nguyễn Phúc Long, Phó Chánh văn phòng điều phối NTM Quảng Ngãi cho biết: “Thời gian qua, các xã bãi ngang ven biển và hải đảo của Quảng Ngãi đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng đạt chuẩn NTM. Nhưng với đặc thù đất đai hạn hẹp, dân cư đông đúc, đất bạc màu khó canh tác, nước sạch khan hiếm... khiến việc thực hiện các tiêu chí giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường... theo tiêu chí NTM ở những địa phương này đã khó càng thêm khó”.

Hiện nay, người dân các xã bãi ngang rất thiếu đất sản xuất. (Ảnh minh họa) Hiện nay, người dân các xã bãi ngang rất thiếu đất sản xuất. (Ảnh minh họa)

 

Đơn cử như tại xã đảo An Hải, huyện đảo Lý Sơn, đến nay đã hoàn thành 14/19 tiêu chí NTM. Tuy nhiên, các tiêu chí còn lại rất khó và có thể rất lâu mới thực hiện được như giao thông, trường học, thu nhập, hộ nghèo....

Ông Lê Hoài Ân, Chủ tịch UBND xã An Hải chia sẻ, với đặc thù xã đảo, đất chật người đông, nên giao thông là một trong những tiêu chí khó khăn nhất. Trong năm 2017, An Hải đã đề ra kế hoạch mở rộng, bê tông hóa 9 tuyến đường giao thông nông thôn, nhưng do điều kiện đặc thù của địa phương, rất khó vận động được người dân nhường đất mở đường nên chưa thực hiện được.

Không chỉ khó về giao thông, hầu hết các xã bãi ngang ven biển và hải đảo đều chưa thể hoàn thành tiêu chí về giáo dục. Hiện có đến 15/19 xã không đáp ứng về cơ sở vật chất trong nhà trường từ mầm non đến THCS. Ông Phạm Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải, huyện Bình Sơn cho biết: Trên địa bàn vẫn còn nhiều điểm trường lẻ xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu mà tiêu chí đưa ra. Nguồn lực địa phương có hạn, nên chỉ có thể khắc phục dần, chứ chưa thể nâng cấp, hoặc xây mới cơ sở vật chất tại các điểm lẻ.

Bên cạnh đó, các tiêu chí khác như văn hóa, thu nhập, hộ nghèo, môi trường, nước sạch... cũng đều gặp vướng. Theo quy định, mỗi xã phải có 95% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh và 65% tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Nhưng điều đáng nói là hầu như các xã bãi ngang ven biển và hải đảo đều không đạt, thậm chí có nơi không có nước sạch để dùng.

Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Ngãi cho biết: Vấn đề nước sạch đang là một bài toán khó đối với các xã bãi ngang ven biển và hải đảo trong xây dựng NTM. Bởi nguồn nước ở các địa phương này rất khan hiếm, bị nhiễm mặn, nhiễm phèn. Trong khi tiêu chí môi trường đòi hỏi hộ gia đình không chỉ sử dụng nước hợp vệ sinh mà còn phải đạt theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Với điều kiện tự nhiên và nguồn vốn để xây dựng công trình nước sạch còn hạn chế như hiện nay thì bài toán này khó vẫn chưa có lời giải.

Từ những thực tế trên, có thể nói, các xã bãi ngàng ven biển và hải đảo đang gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện bộ tiêu chí xây dựng NTM. Điều đáng nói hơn, các xã bãi ngang và hải đảo có nhiều nét đặc thù về điều kiện tự nhiên, địa hình, khí hậu, thiết chế văn hóa… thế nhưng chúng ta chưa có cơ chế đặc thù cho các xã này trong xây dựng NTM. Chính vì vậy, thời gian tới, thay vì hỗ trợ mang tính phân bổ bình quân, dàn đều, các xã bãi ngang ven biển và hải đảo rất cần được Trung ương ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư, để hoàn thiện các hạng mục công trình thiết yếu cấp thôn như cơ sở vật chất văn hóa thôn, công trình cung cấp nước sinh hoạt, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân.

PHƯƠNG LÊ