Đến dự Hội thảo có nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mèo Vạc Vương Ngọc Hà; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Anh Tuấn; Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lương Thị Thu Hằng; cùng các chuyên gia, đại diện đến từ các trường đại học, các doanh nghiệp cùng tham gia và đóng góp các sáng kiến, tham luận.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được theo dõi phóng sự khái quát về Mèo Vạc trong sự phát triển du lịch của địa phương và những bước đột phá của Mèo Vạc trong thời gian gần đây.
Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2023, Mèo Vạc đã đón tổng cộng 197.234 lượt người, Hạ tầng du lịch được chú trọng đầu tư, các cơ sở lưu trú, hệ thống nhà hàng, dịch vụ được cải tạo và nâng cấp bảo đảm phục vụ nhu cầu của du khách. Đến nay toàn huyện có 101 khách sạn, nhà nghỉ, Homestay; 60 nhà hàng, quán ăn; 25 cơ sở vui chơi giải trí, nước giải khát; 20 cơ sở mua sắm; 12 cơ sở chăm sóc sức khỏe cho khách du lịch... cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu ăn, nghỉ của du khách, góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã nêu ra các hạn chế còn tồn tại trong công tác du lịch của địa phương, như: Công tác bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống của huyện chưa nhận được sự hưởng ứng, phối hợp tham gia của người dân; công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện còn gặp những khó khăn... Một số bộ phận nhân dân chưa ý thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếng nói, chữ viết và trang phục truyền thống dần bị mai một; nhiều người dân nhất là thế hệ trẻ hiện không sử dụng tiếng nói và trang phục của dân tộc mình; các sản phẩm du lịch còn ít, chưa phong phú về chủng loại, chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù riêng biệt của huyện; chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch...
Tại Hội thảo, các chuyên gia đại diện đến từ các trường đại học, các doanh nghiệp đã có những chia sẻ, những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia thành công về du lịch như Nhật Bản với mô hình OCOP, kết hợp sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với du lịch, áp dụng công nghệ thực tế ảo VR vào trải nghiệm và quảng bá du lịch tại Mèo Vạc mở ra cho địa phương nhiều hướng đi mới, sáng tạo và đột phá nhằm phát triển chất lượng du lịch của huyện Mèo Vạc nói riêng và của tỉnh Hà Giang nói chung trong tương lai gần.
Mèo Vạc là huyện vùng cao biên giới phía Bắc của tỉnh Hà Giang, cách trung tâm Tp. Hà Giang 160 km. Phía Đông Bắc giáp với huyện Bảo Lâm, phía Nam giáp với huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng; phía Tây giáp với huyện Đồng Văn và huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang; phía Bắc giáp với huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam và huyện Nà Pô, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Với chiều dài đường biên là 40,935 km, có 76 mốc chính, 15 mốc phụ, có 1 cặp cửa khẩu tiểu ngạch Săm Pun - Điền Bồng và rất nhiều đường mòn lối mở.
Hiện nay, huyện Mèo Vạc có 3 Di sản văn hóa vật thể (danh thắng Mã Pì Lèng, danh thắng hang Rồng, danh thắng Huệ biển xã Lũng Pù) và 4 Di sản văn hóa phi vật thể (Lễ hội năm mới của dân tộc Giáy xã Tát Ngà; Tri thức canh tác hốc đá của cư dân cao nguyên đá Hà Giang; Lễ hội chợ Phong lưu Khâu Vai; Lễ cầu an của dân tộc Giáy xã Nậm Ban).