Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW

PV - 10:35, 06/07/2018

Nhằm khắc phục tồn tại và tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong vùng đồng bào Khmer, mới đây, Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư (khóa XII) về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới (gọi tắt Chỉ thị 19) được ban hành. Tại tỉnh Kiên Giang, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, địa phương đã và đang cụ thể hoá Chỉ thị 19 vào cuộc sống. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang xung quanh vấn đề này.

Trước khi Chỉ thị 19/CT-TW được ban hành, việc triển khai công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc Khmer tại địa phương được thực hiện như thế nào, thưa bà?

Kiên Giang là tỉnh có tỷ lệ đồng bào Khmer đông thứ 3 trong cả nước (gần 17%). Trước khi Chỉ thị 19/CT-TW được ban hành, công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc Khmer tại địa phương được quan tâm triển khai theo tinh thần Chỉ thị 68-CT/TW (ngày 18/4/1991) của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Bà Đặng Tuyết Em (ngoài cùng bên phải) tiếp xúc cử tri xã Vĩnh Hoà, huyện U Minh Thượng, Cà Mau. Bà Đặng Tuyết Em (ngoài cùng bên phải) tiếp xúc cử tri xã Vĩnh Hoà, huyện U Minh Thượng, Cà Mau.

 

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 68, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện khá tốt các chủ trương, chính sách đối với đồng bào Khmer. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Trung ương, ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo tạo điều kiện thuận lợi nhất để đồng bào Khmer ổn định, vươn lên và phát triển mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.

Theo đó, bà có thể cho biết hiệu quả triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn thời gian qua?

Từ năm 1991 đến nay, trên địa bàn có đồng bào Khmer sinh sống, các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn đã được đầu tư xây dựng, kiện toàn như: hệ thống đường giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, nước sạch, trạm y tế, nhà ở… Trong đó tập trung nhiều nhất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới theo Quyết định 135-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí trên 800 tỷ đồng.

Cùng với đó, đã có hơn 58.400 hộ đồng bào Khmer vay trên 460 tỷ đồng để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Các mô hình liên kết sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và ứng dụng khoa học kỹ thuật đã giúp cho nhiều hộ gia đình có đời sống khá hơn. Công tác giáo dục-đào tạo con em đồng bào dân tộc Khmer được quan tâm chỉ đạo; bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer được giữ gìn và phát huy, các lễ hội được duy trì và tổ chức khá tốt; việc trùng tu sửa chữa, xây dựng mới chánh điện các chùa Khmer được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện.

Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, xây dựng đảng, hệ thống chính trị được quan tâm lãnh đạo. Hầu hết các địa phương có đông đồng bào Khmer đều phát triển được đảng viên. Hơn 25 năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer từng bước được cải thiện. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc Khmer đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Năm 2017 vừa qua, công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt những kết quả đáng phấn khởi. Tỷ lệ hộ nghèo từ 8,32% xuống còn 6,20% (giảm 2,12% so với năm 2016), đặc biệt hộ nghèo người DTTS còn 10,59 % (giảm 3,30% so với năm 2016).

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu giải quyết việc làm, đào tạo nghề, an sinh xã hội đã được các ngành, các cấp và chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn tồn tại một số hạn chế. Trong đó, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn cao. Vì thế, khi Chỉ thị 19 được ban hành, tỉnh tập trung xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường nguồn lực chăm lo phát triển toàn diện kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào Khmer.

Được biết, tỉnh Kiên Giang đã và đang cụ thể hóa Chỉ thị 19 bằng những kế hoạch hành động, chỉ tiêu cụ thể, bà có thể cho biết một số nội dung cơ bản là gì?

Để cụ thể hóa Chỉ thị 19-CT/TW, tỉnh chủ trương huy động mọi nguồn lực thực hiện các đề án phát triển toàn diện kinh tế-xã hội các xã biên giới, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, thích ứng biến đổi khí hậu; quan tâm giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc Khmer, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer từ 1,5-2%/năm, đến năm 2020 giảm còn dưới 8% và giảm dần xã ĐBKK.

Cùng với đó, tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh đầu tư phát triển văn hóa-xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào DTTS về văn hóa-xã hội. Phấn đấu đến năm 2020, Kiên Giang cơ bản xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc Khmer, giảm thiểu tỷ lệ trẻ em bỏ học ở các cấp, nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường dân tộc nội trú, hỗ trợ dạy và học chữ Khmer gắn với bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer.

Đồng thời, Kiên Giang thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc Khmer; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt là người dân tộc Khmer.

Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, an ninh biên giới. Cùng với đó, Kiên Giang phê duyệt Đề án thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế -xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh, với kinh phí hỗ trợ để thực hiện các chính sách trên 135 tỷ đồng. Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và những năm sau, theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Trân trọng cảm ơn bà!

NHƯ TÂM

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.