Ông cho biết một số kết quả đạt được trong công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trên địa bàn tỉnh những năm qua?
Tỉnh Trà Vinh có hơn một triệu dân, trong đó người dân tộc Khmer chiếm khoảng 31%. Nhờ làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, đến nay, nguồn cán bộ là người Khmer ở Trà Vinh không còn yếu và thiếu như trước. Hiện nay, toàn tỉnh có tổng số cán bộ, công chức, viên chức là 4.421/23.876 người DTTS, chiếm 18,52% cán bộ toàn tỉnh hầu hết được đào tạo bài bản.
Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức đều được đào tạo đạt chuẩn ngạch và vị trí việc làm; về trình độ chuyên môn, từ trung cấp trở lên. Điều đáng mừng là công tác tuyển dụng chung, cũng như tuyển dụng công chức, viên chức người DTTS đều căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh và chỉ tiêu biên chế được giao của các cơ quan, đơn vị, bảo đảm chất lượng.
Trình độ, nhận thức của đồng bào Khmer được nâng cao, số lượng cán bộ, công chức, viên chức ngày càng tăng, tạo thuận lợi hơn cho việc tạo nguồn phát triển đảng viên là người dân tộc Khmer. Đội ngũ cán bộ người Khmer được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng, đề bạt và bố trí giữ vị trí quan trọng cấp tỉnh ngày càng nhiều.
Đối với huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh ưu tiên bố trí tăng thêm một cán bộ làm công tác dân tộc tại phòng dân tộc; coi trọng việc bồi dưỡng, đào tạo thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, làm nguồn cán bộ bổ sung cho cơ sở. Để chuẩn bị nguồn cho nhiệm kỳ tới ( 2020–2025) phù hợp với vị trí việc làm là 889 người, trong đó có 126 người dân tộc Khmer.
Đội ngũ cán bộ người DTTS đang phát huy vai trò trách nhiệm như thế nào trong thực hiện chính sách dân tộc hiện nay, thưa ông?
Những năm qua, các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã phát huy hiệu quả, đời sống của đồng bào ngày càng khởi sắc. Trong đó, phải kể đến vai trò không nhỏ của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc tại địa phương.
Từ công tác cán bộ được triển khai bài bản, có lộ trình đào tạo bồi dưỡng… nên đã phát huy được vai trò trách nhiệm quan trọng trong việc triển khai, hướng dẫn người dân thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo. Điển hình đến cuối năm 2017, số hộ Khmer nghèo trong tỉnh giảm còn 15% so với tổng số hộ đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 33 triệu đồng/năm. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Trà Vinh có 30/85 xã đạt 19/19 tiêu chí xã NTM; 13/85 xã đạt từ 15- 18 tiêu chí; 49/85 xã đạt từ 10-14 tiêu chí.
Trà Vinh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm từ 2-2,5%, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer giảm 3%; hộ cận nghèo giảm từ 1-2%. Đồng thời, đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được thụ hưởng đầy đủ chính sách giảm nghèo, trợ giúp xã hội và các chính sách xã hội khác.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những giải pháp trọng tâm trong công tác cán bộ vùng đồng bào dân tộc Khmer đã và đang được địa phương triển khai?
Giải pháp để thực hiện của địa phương là tập trung nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Trong đó, Trà Vinh đã triển khai chương trình, kế hoạch về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS tới năm 2020, định hướng tới năm 2030, trong đó ưu tiên tuyển dụng người DTTS tại chỗ, người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ và bằng đại học loại giỏi. Các tỉnh cũng quy định trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong đào tạo bồi dưỡng, tuyển dụng người DTTS.
Bên cạnh đó là triển khai thực hiện Kế hoạch 05-KH/UBND ngày 20/02/2017 của UBND tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Cùng với Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư (khóa XII) về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới, Ban Dân tộc tỉnh đã có kế hoạch thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm cơ cấu phù hợp về nữ, người DTTS để đề xuất đưa đi đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc...
Trân trọng cảm ơn ông!
HẠNH NGUYÊN