Thiếu bền vững
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2019 (tổ chức ngày 25/7), Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Lê Quân cho biết, dự kiến hết năm, tỷ lệ hộ nghèo cả nước sẽ giảm từ 1-1,5% so với cuối năm 2018. Nhưng ông Quân cũng cảnh báo, kết quả giảm nghèo chưa bền vững khi mà tỷ lệ hộ nghèo phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2019 chiếm tới 17,8%, tức là cứ 100 hộ dân thoát nghèo thì có gần 18 hộ phát sinh nghèo mới.
Cảnh báo của ông Quân càng rõ hơn khi Bộ LĐTB&XH ban hành Quyết định số 1052/QĐ-BLĐTBXH, ngày 29/7/2019 công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2018 (gọi tắt là QĐ1052). Theo đó, hết năm 2018, chưa tính hộ tái nghèo thì cả nước phát sinh thêm 75.594 hộ nghèo và 13.024 hộ cận nghèo. Trước đó, năm 2017, cả nước cũng phát sinh 107.499 hộ nghèo, 369.774 hộ cận nghèo.
Trong kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm nay, Bộ LĐTB&XH tiếp tục thực hiện xếp hạng mức độ nghèo giữa 63 tỉnh, thành phố theo thứ tự từ tỉnh có tổng số hộ nghèo nhiều nhất đến tỉnh có sộ hộ nghèo ít nhất, từ đó nhận diện rõ hơn vùng “lõi nghèo” của cả nước. Theo QĐ1052, “top” 20 tỉnh có mức độ nghèo nhất đều là những địa phương vùng DTTS và miền núi; trong đó Sơn La giữ vị trí số 1 về tổng số hộ nghèo với 71.798 hộ, Đăk Lăk xếp thứ 2 với 57.180 hộ; Hà Giang xếp thứ 3 với 56.083 hộ,...
Kết quả xếp hạng mức độ nghèo trong QĐ1052 cũng cho thấy, công tác giảm nghèo thiếu bền vững khi so sánh sự tăng/giảm về mức độ nghèo của từng tỉnh, thành phố so với năm 2017. Như Bắc Kạn, năm 2017, tỉnh này đứng thứ 36 trên bảng xếp hạng về tổng số hộ nghèo thì hiện xếp thứ 30, vị chi “tăng nghèo” thêm 6 bậc. Tương tự, Cao Bằng từ vị trí thứ 10 năm 2017 đã chuyển lên đứng thứ 7 về mức độ nghèo…
Đáng chú ý, Sơn La, Đăk Lăk, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An là những tỉnh “đổi vai” cho nhau trong hai năm liên tiếp về mức độ nghèo. Cụ thể, năm 2017, Sơn La xếp thứ hai về tổng số hộ nghèo thì hiện đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng; Đăk Lăk từ vị trí thứ 3 chuyển thành vị trí thứ 2, Hà Giang từ vị trí thứ 5 chuyển thành vị trí thứ 3, Nghệ An từ vị trí thứ 4 chuyển thành vị trí thứ 5… Điều này cho thấy, đây vẫn là những địa phương có mức độ nghèo tương đối… bền vững, dù bình quân mỗi năm tỷ lệ giảm nghèo vẫn theo chiều hướng giảm.
Kỳ vọng từ “cú hích” mới
Tại Hội thảo “Đánh giá hiệu quả chính sách tín dụng cho đồng bào DTTS tại Việt Nam” diễn ra chiều 25/9/2019, bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, kết quả giảm nghèo nhanh của nước ta là rất ấn tượng. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của nước ta chiếm trên 58%, với chuẩn nghèo đơn chiều. Sau hơn 25 năm, nước ta đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,23% (năm 2018), với chuẩn nghèo đa chiều.
“Hiện nước ta được xếp vào nhóm các nước phát triển trung bình thấp, đang hướng đến mục tiêu trở thành nước phát triển trung bình cao vào năm 2030, thành nước phát triển vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này thì công tác giảm nghèo vẫn phải tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là giảm nghèo một cách bền vững”, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định.
Rõ ràng, bảo đảm yếu tố bền vững phải là mục tiêu then chốt trong công tác giảm nghèo, nhất là ở vùng DTTS và miền núi. Điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nhưng vùng DTTS và miền núi lại có nhiều yếu tố thuận lợi của tình trạng tái nghèo, phát sinh nghèo mới. Kết quả giảm nghèo trầy trật của các địa phương vùng DTTS và miền núi nêu trên là minh chứng rõ nét nhất.
Đây cũng là trăn trở của các cấp, các ngành, các nhà hoạch định chính sách bởi trong những năm qua, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi, nhất là lĩnh vực giảm nghèo là không hề nhỏ. Nhưng vì nguồn lực “rải mành mành” cho nhiều chương trình, dự án, không thống nhất đầu mối quản lý,… nên hiệu quả chưa như kỳ vọng.
Giảm nghèo nhanh cơ bản đã đạt, nhưng thiếu bền vững vẫn là một thực tế đáng lo ngại. Để giúp đồng bào thoát nghèo nhanh, nhiều chính sách đã đầu tư, hỗ trợ trực tiếp; nhưng điều kiện căn bản nhất là tạo sinh kế bền vững để đồng bào DTTS ổn định cuộc sống, từ đó vươn lên vẫn là mục tiêu còn nhiều trăn trở.
Chính bởi vậy, Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi đang được hoàn chỉnh để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 sắp tới được kỳ vọng sẽ tạo đột phá mới, nhất là trong lĩnh vực giảm nghèo bền vững. Những cái thiếu và yếu trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc đã được cơ quan soạn thảo bổ sung, sửa đổi trên cơ sở ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách. Và khi đề án được Quốc hội thông qua, phê duyệt thành Chương trình mục tiêu quốc gia thứ ba thì đây thực sự là “cú hích” phát triển vùng DTTS và miền núi, đặc biệt sẽ bảo đảm được hai mục tiêu nhanh và bền vững trong giảm nghèo.