Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp vùng DTTS, miền núi: Khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của cộng đồng DTTS

PV - 10:37, 13/08/2019

Xuất phát từ nhu cầu cần hỗ trợ khởi nghiệp của đồng bào DTTS và để sự hỗ trợ được triển khai bài bản, Ủy ban Dân tộc đang xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp ở vùng DTTS, miền núi. Đây là Dự án nằm trong Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi.

Từ nhu cầu thực tế

Tham gia cùng Đoàn khảo sát thực tế tại vùng DTTS một số tỉnh, như: Ninh Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa… và tham vấn ý kiến của một số đồng bào DTTS ở nhiều vùng, miền trên cả nước, chúng tôi nhận thấy, nhu cầu cần hỗ trợ

khởi nghiệp của đồng bào là rất lớn. Nhiều nơi, đồng bào DTTS còn mơ hồ về con đường khởi nghiệp, chưa xác định được hướng khởi nghiệp phù hợp, hoặc có nơi đã xác định được ý tưởng khởi nghiệp, nhưng lại thiếu thông tin về cơ chế, chính sách, thiếu kiến thức về lĩnh vực muốn khởi nghiệp…

Chị Pi Lao Thị Huệ, dân tộc Raglai, thôn Chà Đung, xã Phước Thắng, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: “Tôi xây dựng gia đình từ năm 2012, sau đó hai vợ chồng ra ở riêng. Cuộc sống rất khó khăn vất vả. Chồng tôi đi làm thuê, cứ có việc thì người ta mới thuê, mỗi ngày được 130 ngàn đồng. Tôi trồng bắp, trồng mì, chăn một con bò. Trung bình mỗi tháng, thu nhập của gia đình chỉ 2-3 triệu đồng”.

Rất cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp. (Ảnh chụp tại trang trại trồng hoa của người DTTS tại tỉnh Lâm Đồng). Rất cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp. (Ảnh chụp tại trang trại trồng hoa của người DTTS tại tỉnh Lâm Đồng).

Khi được Đoàn khảo sát hỏi về hướng khởi nghiệp, làm ăn để cuộc sống khấm khá hơn, đỡ vất vả, chị chỉ cười bảo, chưa biết làm gì cả, trước mắt vẫn tiếp tục làm công việc như hiện nay.

Trường hợp của chị Pi Lao Thị Huệ chỉ là một trong số rất nhiều người dân khi Đoàn khảo sát đến làm việc, tiếp xúc để tìm hiểu về cuộc sống, sinh kế, nghề nghiệp. Điều đáng lo ngại hơn cả đó là, số thanh niên đang độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu” lại nằm trong tình trạng không có việc làm, không có nghề nghiệp ổn định, mơ hồ về tương lai, về con đường sinh kế phía trước.

Còn đối với những trường hợp đã và đang có hướng phát triển kinh tế kha khá ở địa phương, thì họ lại thiếu kiến thức trong lĩnh vực kinh doanh, phần lớn làm việc theo hiểu biết, kinh nghiệm, rất muốn được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tư vấn kỹ năng quản trị…

Anh Cao Niếng, dân tộc Raglai, thôn Bầu Sang, xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa là một trong những người như thế. Anh Niếng cho biết, gia đình anh phát triển kinh tế chủ yếu là trồng mì, keo; chăn nuôi bò, heo đen… Mỗi tháng trừ mọi chi phí cũng cho thu nhập gần 10 triệu đồng. Tuy nhiên, đầu ra của nông sản không ổn định, chủ yếu do thương lái đến nhà mua, giá cả phụ thuộc vào thương lái. Hiện tại, gia đình anh Niếng rất cần được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để có đầu ra ổn định, cần được hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất.

Cần chính sách phù hợp, sát thực

Thực tế cho thấy, các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng DTTS mới chỉ tập trung nhiều vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, mà ít tiếp cận các vấn đề phát triển cộng đồng từ bên trong. Tức là cần phải phát huy nội lực, lợi thế của vùng đồng bào DTTS cùng với sự tư vấn, hỗ trợ về tài chính, công nghệ, quản trị. Ngoài ra, việc phát huy sự gắn kết cộng đồng cũng là một hướng tiếp cận rất hiệu quả và bền vững cho phong trào khởi nghiệp trên vùng đồng bào DTTS.

PGS.TS Trần Văn Ơn (Trưởng Bộ môn Thực vật, Trường Đại học Dược Hà Nội), người đã có kinh nghiệm hàng chục năm đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn vùng DTTS cho biết: Ở vùng DTTS không thể chỉ đặt trọng tâm phát triển nông nghiệp với quy mô kinh tế hộ gia đình. Vì một gia đình ít khi đủ khả năng “xoay sở” toàn bộ các khâu của chuỗi sản xuất. Do đó, nên phát triển mô hình hợp tác xã hoặc công ty cổ phần; nhiều hộ dân cùng tham gia thì có nguồn lực lớn hơn, họ sẽ cùng nhau chia sẻ công việc trong chuỗi sản xuất.

Từ thực tế đó, Ủy ban Dân tộc đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ, hướng tới tìm phương kế để các cộng đồng người DTTS và miền núi có thể phát huy được lợi thế của mình, để tự vươn lên làm giàu. Ủy ban Dân tộc đang xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp ở vùng DTTS, miền núi. Đây cũng là một trong những dự án nằm trong Đề án Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi. Đề án hướng tới mục tiêu thay đổi quan điểm tiếp cận trong phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi từ hỗ trợ giảm nghèo sang khuyến khích khởi nghiệp làm giàu, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã từng phân tích, nhấn mạnh về công tác giảm nghèo rằng: giảm nghèo bằng cách khuyến khích bà con chủ động tổ chức lao động sản xuất, làm ăn kinh doanh theo hướng thị trường để tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập và vươn lên làm giàu thì mới là giải pháp giảm nghèo bền vững nhất.

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.