Cơn bão số 3 vừa qua đã đạt đến cấp siêu bão, đổ bộ vào miền Bắc nước ta gây thiệt hại vô cùng nặng nề về người và tài sản của Nhân dân. Bão và hoàn lưu bão đã gây mưa lớn tại rất nhiều khu vực khiến một số công trình thủy điện có nguy cơ mất an toàn và đặt vào tình trạng khẩn cấp về thiên tai như thủy điện Thác Bà, thủy điện Tuyên Quang phải mở toàn bộ cửa xả để hạ mực nước hồ đảm bảo an toàn cho công trình… do đó đã gây ngập úng và thiệt hại cho vùng hạ du.
Trước đó, vào ngày 5/8 việc thủy điện Thác Bà xả lũ thủy điện, đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi. Do mưa lớn kéo dài, nước hồ dâng cao nên ngày 5/8 hồ thủy điện Thác Bà mở 2 cửa xả đã có 49 nhà dân, 30 xưởng gỗ cùng nhiều diện tích hoa màu, thủy sản… bị ngập úng, ảnh hưởng thiệt hại.
Người dân cho rằng, thủy điện thông báo lượng nước xả không theo giờ, lưu lượng xả đột nhiên tăng lớn khiến người dân không kịp trở tay, nhiều tài sản hoa màu, gia cầm của bà con bị ngập, ướt, hư hỏng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Cường Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà việc xả lũ của thuỷ điện Thác Bà cho rằng, việc xả lũ thủy điện đã đựợc thực hiện theo đúng quy trình khi có Công điện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Yên Bái cũng ban hành công văn yêu cầu đảm bảo an toàn hạ du khi thủy điện xả lũ.
Việc thuỷ điện xả lũ mà “quên” không thông báo hoặc không kịp thời báo động, cảnh báo cho người dân được biết, không phải là việc hi hữu. Trước đây đã từng có những vụ việc tương tự xảy ra, như sự việc tại Đồng Nai, vào ngày 6/6, Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 mở cửa đập xả lũ. Dòng nước lớn bất ngờ đổ về hạ lưu khiến nhóm thanh niên 5 người đang tắm dưới sông Đồng Nai (thuộc địa phận thôn 3, xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh) không kịp vào bờ, phải trèo lên một tảng đá giữa sông trong khi nước mỗi lúc một chảy xiết, dâng cao. Rất may, do phát hiện kịp thời, nên các lực lượng chức năng đã giải cứu được các nạn nhân.
Theo dự báo, mùa mưa bão năm nay sẽ diễn ra khốc liệt, cực đoan sẽ gây nguy cơ mưa, bão, lũ dồn dập trong những tháng cuối năm, đặc biệt là ở khu vực miền Trung. Do đó, việc thuỷ điện xả lũ cần phải đảm bảo thông tin đã đến được với người dân, để người dân có biện pháp kịp thời di dời, hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể do xả lũ thủy điện.
Phát biểu tại Hội nghị “Tăng cường công tác phòng chống thiên tai và đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024” vào ngày 27/9, tại TP. Đà Nẵng, ông Trương Thanh Hoài, Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin: Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm 2024, dự báo các đợt lũ sẽ xuất hiện tại khu vực miền Trung - Tây nguyên có thể gây áp lực lớn đến công tác đảm bảo an toàn trong vận hành trình thủy điện. Do đó, các đơn vị cần chuẩn bị các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng để có thể giảm thiệt hại.
“Đối với các chủ đập thủy điện cần nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là khi xuất hiện các tình huống bất thường; vận hành khoa học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình” ông Trương Thanh Hoài nhấn mạnh.
Khi hồ chứa đầy nước, việc các nhà máy thuỷ điện điều tiết xả lũ là bắt buộc. Cho dù xả lũ đúng quy trình, thì thiệt hại do thủy điện xả lũ là điều không tránh khỏi. Do vậy, trong quá trình điều tiết xả lũ, các đơn vị thủy điện cần tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình, cần phải thông báo, báo động, cảnh báo cho chính quyền và người dân được biết. Đặc biệt là thông tin đó đảm bảo phải đến được với người dân, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.