Xã Cư Né nằm vắt ngang Quốc lộ 14 có diện tích tự nhiên hơn 7.188ha, gồm 21 thôn, buôn, trong đó đồng bào DTTS chiếm 59% chủ yếu người Ê-đê. Dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng buôn Dhia trên con đường thảm nhựa phẳng lì, qua những ngôi nhà khang trang xây dựng theo kiến trúc hiện đại đủ để thấy cuộc sống của người dân khởi sắc.
Chỉ tay về phía mấy ngôi nhà mái Thái, ông Y Sơn Mlô, Trưởng buôn Dhia 2, xã Cư Né khoe với chúng tôi: Đó là những ngôi nhà của người dân tái định cư. Đời sống bà con bây giờ khá lắm rồi, nhiều gia đình giàu lên trông thấy. Các trục đường chính được nhựa hóa, điện kéo về từng nhà, người dân được sử dụng nước sạch, nhà cửa xây dựng hiện đại khang trang, trẻ em được học hành đúng độ tuổi, nhiều nhà còn mua được ô tô nữa. Mấy hôm nữa, buôn tổ chức đón nhận danh hiệu Buôn văn hóa.
Buôn Dhia 1 và Dhia 2, xã Cư Né có 426 hộ, với gần 2.000 nhân khẩu, trong đó có 264 hộ mới chuyển về khu vực tái định cư theo chương trình ổn định dân cư của huyện Krông Buk. Trước khi về buôn Dhia, các hộ dân này sống du canh, du cư, sống tạm bợ xa khu dân cư xã nên gặp rất khó khăn, tình trạng nghèo đói, mù chữ… đeo bám. UBND huyện Krông Buk lập kế hoạch và vận động người dân về nơi mới để ổn định cuộc sống.
Năm 2012, xã Cư Né bố trí khoảnh đất trong buôn Dhia 1 và Dhia 2 để sắp xếp chỗ ở mới cho 179 hộ dân. Ngoài, được cấp mỗi hộ 250m2, kinh phí chuyển nhà và hỗ trợ cây, con giống để phát triển kinh tế.
Trong căn nhà khang trang, rộng hơn 100m2, ông Y Noanh Mlô, buôn Dhia 2 nhớ lại những ngày đầu mới về nơi ở mới còn nhiều bỡ ngỡ. Ông Y Noanh chia sẻ: Nhà mình có 6ha rẫy độc canh cà phê nhưng ở xa điểm cư trú, cây trồng chăm sóc không đúng kỹ thuật năng suất chỉ bằng một nửa bây giờ, trong khi đó giao thông không thuận tiện nên sản phẩm làm ra hay bị ép giá. Về khu tái định cư, không chỉ có nhà ở mà giao thông cũng thuận lợi dễ dàng trao đổi, mua bán và đặc biệt con cái được đi học đến nơi, đau ốm đến trạm y tế xã chữa bệnh. Cán bộ xã, huyện cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất.
“Cuộc sống dần ổn định, mình còn học được cách trồng xen canh thêm sầu riêng, bơ, tiêu vào cà phê để tăng nguồn thu. Nhờ đó, mình đã xây được căn nhà khang trang, 3 đứa con được học hành đàng hoàng. Các hộ dân được chuyển về đây cũng đều giống nhà mình, đã ổn định cuộc sống”.
Tương tự, anh Y Toang Mlô ở buôn Dhia 1 kể: Được xã giới thiệu học nghề cơ khí, gò hàn tại Trung tâm dạy nghề huyện. Năm 2014, anh mở tiệm cơ khí tại nhà, nhận sửa chữa máy nổ, máy cày, được mọi người tin tưởng, đến nay tiệm cơ khí của mình được nhiều người tìm đến, có việc làm đều, thu nhập cũng tăng lên, từng bước thoát nghèo.
Anh còn nhận một số thanh niên trong buôn vào tiệm vừa học vừa làm với mức lương 3-6 triệu đồng/người/tháng...
Ông Y Thân Mlô, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Né nhận xét: So với ngày đầu mới về cuộc sống của bà con đang khởi sắc từng ngày. Trước đây, ở khu tái định cư hộ nghèo rất đông, nhưng nay chỉ còn 28 hộ so với lúc mới về giảm hơn một nửa, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên 23 triệu đồng/năm, 100% trẻ em được đi học đúng độ tuổi, người dân được sử dụng nước sạch và điện lưới quốc gia, 60% số hộ có nhà xây kiên cố.
LÊ HƯỜNG