Ngày còn chưa đến Tây Nguyên, trong trái tim tôi cứ ôm ấp bóng hình của miền núi cao sương giăng, với ngàn thông reo tí tách, với tiếng thác gầm đổ giữa đại ngàn, tiếng suối chảy róc rách qua bao lèn đá. Và những đêm buôn làng rộn rã, trầm hùng trong tiếng cồng chiêng, bên ánh lửa bập bùng… Trong tưởng tượng của tôi, Tây Nguyên là như thế!
Vậy rồi từ lời mời nhiều năm trước, tôi đã về với Tây Nguyên đại ngàn. Một sớm mai mở mắt thức dậy, tôi thấy mình đứng giữa Tây Nguyên nắng gió. Ngàn thông nơi đâu? Những ngọn gió se lạnh hay màn sương mù bảng lảng mơ hồ trong mường tượng nơi đâu? Trước mắt tôi là miền đất Krông Pa - tất cả đều không như tưởng trượng của tôi…
Krông Pa (Gia Lai) đón tôi bằng cái nắng đổ mồ hôi ướt đẫm, bằng hanh khô sau mỗi đợt gió lùa ngang qua, mang theo những hạt cát li ti làm đôi mắt tôi cay sè. Đi giữa vùng đất được mệnh danh là “lòng chảo” của núi rừng Tây Nguyên, tôi bỗng thấy tim mình thắt lại. Krông Pa ngoài đời thực mang lại cho tôi cảm xúc hoàn toàn khác. Không phải đồi thông trong sương mù, cũng chẳng phải cái nắng miền cao làm cháy tóc, sạm da. Tôi thấy lòng mình lâng lâng. Tôi yêu những con đường uốn lượn quanh chân đồi, dốc lên dốc xuống, như tấm lụa vắt ngang qua buôn làng. Trước những ngôi nhà của đồng bào với màu gỗ nâu trầm lúc nào cũng tấp nập bước chân trên sàn và râm ran tiếng nói cười - bằng ngôn ngữ riêng của người Gia Rai đang từng ngày, từng giờ giữ gìn phong tục mà ông cha xây đắp.
Ngày chưa đến Krông Pa, tôi đâu nghĩ rằng con người nơi đây lại hiền hoà, mến khách như thế! Trên mảnh đất cỗi cằn của vùng trũng Tây Nguyên hùng vĩ, người Krông Pa lại dào dạt nghĩa tình như nước dòng sông Ba đêm ngày tuôn chảy. Từ cảm thức của kẻ đến Krông Pa chỉ để thưởng thức món khô bò một nắng trứ danh, để hiểu thêm về cuộc sống của đồng bào nơi đây và những đặc trưng văn hoá, phong tục của người Gia Rai bao tháng năm bám trụ giữ đất, giữ buôn. Tôi lại thấy tim mình rung động bởi người Krông Pa chân chất, cởi mở, ân tình. Họ đón tiếp lữ khách phương xa như thể mở rộng vòng tay ôm đứa con được sinh ra từ đất Krông Pa này ra đi và trở về cội nguồn sinh dưỡng.
Tôi nhớ mãi một chiều hâm hấp nóng, ngồi trước căn nhà đơn sơ nhìn ra chân đồi, dưới tán cây xoài đang mùa trĩu quả, thưởng thức những món ngon mang phong vị đồng bào, lắng tai nghe biết bao nhiêu câu chuyện đẹp… Lữ khách tôi tự dưng ngộ nhận Krông Pa là quê hương của mình.
Háo hức, hân hoan, mến thương, vương vấn... Và rồi khi tôi rời khỏi Krông Pa, tôi lại thấy lòng da diết khôn nguôi… Hình như tôi đã đem lòng yêu mảnh đất và con người Krông Pa, yêu luôn cái nóng khô cằn, yêu những nếp nhà sàn, nhà dài, yêu bóng cây kơ nia đứng trơ trọi bên đường “che ngực em” mỗi sớm đi nương đi rẫy, yêu cả nụ cười chất phác hiền lương của đồng bào dân tộc thiểu số dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều gian khó.
Krông Pa trong trái tim tôi!