Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Vườn tái chế rác thải NNC - Thông điệp ý nghĩa từ những người khuyết tật

T.Nhân-T.Quỳnh - 14:18, 02/10/2023

Vườn tái chế rác thải NNC, do bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Chi hội trưởng Chi hội khuyết tật Nguyễn Nga lập nên từ năm 2021, tại thôn Long Mỹ, xã Phước Mỹ, TP.Quy Nhơn (Bình Định). Nơi đây, được xem như là mái nhà thứ hai của những người khuyết tật và họ được thoả sức sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo, hữu ích. Nhờ đó, họ cảm thấy được tiếp thêm động lực sống, bớt tự ti với những khuyết tật mà mình đang mang. Đặc biệt, công việc của họ góp một phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường.

Một góc khu vườn tái chế rác thải của người khuyết tật
Một góc khu vườn tái chế rác thải của người khuyết tật

“Tái sinh” rác thải

Khu vườn tái chế rác thải NNC rộng khoảng 2000 m2, trong đó có hai khu khiến nhiều người thích thú, là khu tái chế rác thải nhựa và cơ sở dệt may từ vải vụn. Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Nga, chủ vườn tái chế cho biết ý định hình thành một khu vườn xanh gần gũi với thiên nhiên đã có từ lâu, nhưng mãi đến năm 2021 mới thực hiện được. 

Khi bắt tay vào thực hiện, bà và các thành viên gặp rất nhiều khó khăn như tài chính, chưa có kinh nghiệm và đường đi lại khó khăn. Thế nhưng, bằng sự nỗ lực không biết mệt mỏi của bà và những thành viên là người khuyết tật tại đây, sau hai năm, ngọn đồi cằn cỗi nằm ở một nơi hẻo lánh đã biến thành khu vườn, với nhiều sản phẩm được tái chế từ rác thải vô cùng độc đáo.

Về ý tưởng hình thành khu tái chế rác thải, bà Nga cho biết: Bắt nguồn từ việc nhận thấy số lượng bì ny lông, hộp đựng đồ ăn làm từ xốp, nhựa…, thải ra môi trường khá nhiều, bà đã nảy ra ý định tạo nên “cuộc đời thứ 2” cho các vật liệu trên. “Mỗi khi nhìn thấy rải thải ra môi trường, tôi tự hỏi liệu có cách nào để tận dụng số phế liệu trên hay không. Từ đó, tôi và các thành viên cùng suy nghĩ và hình thành nên vườn tái chế NNC – nơi phế thải được tái sinh để mang lại giá trị sử dụng mới trong cuộc sống” bà Nga cho hay.

Ở vườn tái chế, những người khuyết tật được thoả sức sáng tạo, không còn tự ti
Ở vườn tái chế, những người khuyết tật được thoả sức sáng tạo, không còn tự ti

Nghĩ là làm, bà Nga cùng những thành viên trong hội bắt đầu tập trung số phế liệu nói trên lại, sau đó phân ra từng loại rác thải và bắt đầu lên những ý tưởng cho những sản phẩm mới. Đối với những vật liệu rác thải là giấy carton, các thành viên lên ý tưởng về những chiếc xe độc, lạ; riêng đối với vải vụn, thì được để riêng và được đưa vào “cơ sở may” để hình thành những bộ áo quần độc lạ, hay những tấm thảm lau nhà, hoặc túi xách mang một vẻ đẹp rất riêng.

Toàn bộ khu vườn cũng được trang trí hoàn toàn bằng vật liệu tái chế, như dãy chuông gió tự chế bằng 500 vỏ chai nhựa, những bình hoa, bồn cây cảnh làm từ vỏ thùng nhựa hoặc lốp xe cũ. Dẫn chúng tôi vào khu tái chế vải vụn, bà Nga cho biết trước đây bà cũng từng học nghề may mặc, do đó khi thu gom những vải vụn bỏ đi từ các tiệm may về, bà lên mạng tìm hiểu thêm về một số sản phẩm và sau đó cắt may theo. 

“Hiện tại ở cơ sở, các em nữ được hướng dẫn làm ra những sản phẩm may mặc độc đáo từ vải thừa, trong đó đặc biệt nhất là chiếc áo dài Việt Nam. Còn các bạn nam thì đam mê hơn với những mô hình về xe cộ, tàu thuyền và dàn trống. Mọi việc bắt đầu thì có vẻ hơi khó, đòi hỏi mỗi người phải có sự tỉ mỉ, sự sáng tạo thì mới làm ra được những sản phẩm đẹp. Tuy nhiên, khi đã quen tay thì các sản phảm làm ra ngày càng sắc sảo và đa dạng hơn”, bà Nga chia sẻ thêm.

Có phế liệu là có… sản phẩm đẹp

Thấy chúng tôi tò mò với những chiếc xe bằng giấy được đặt ngay ngắn trên kệ, anh Phan Huỳnh Anh Toan vui vẻ giới thiệu: Mấy chiếc xe này được làm chủ yếu bằng các thùng giấy, thu về từ các tiệm tạp hoá. Có một số xe đã được khách thấy đẹp và mua đi rồi. Hiện nay, tôi và các thành viên đang tiếp tục nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm mới, độc đáo hơn để thu hút những du khách khi đến đây trải nghiệm.

Em Trần Thị Hồng đang chăm chút những sản phẩm được tái chế từ rác
Em Trần Thị Hồng đang chăm chút những sản phẩm được tái chế từ rác

Chia sẻ về bản thân mình, chàng trai 33 tuổi, cho biết: Quê ở thị xã An Nhơn, bị tật hai chân từ nhỏ. Khoảng 10 năm trước, anh thi đổ vào ngành Công nghệ thông tin của một trường tại TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chỉ học xong năm nhất, anh bỏ giữa chừng phần vì mặc cảm, phần vì sợ làm gánh nặng của gia đình. Sau đó, anh được đưa đến sống tại mái ấm chung dành cho người khuyết tật do bà Nguyễn Thị Thanh Nga làm chủ cơ sở.

“Kể từ khi có vườn tái chế, mình rất thích thú khi chế tạo những sản phẩm từ các vật liệu bỏ đi. Ban đầu, mình thấy khó vì chưa biết phải làm như thế nào. Sau đó, mình lên mạng xem những mô hình người khác làm, và bắt đầu cắt giấy làm theo. Sau này, mình có những ý tưởng mới và làm ra những đồ vật theo ý mình thích. Ở đây, mình cảm thấy được thoải mái sáng tạo, làm những điều mình thích, nên bớt tự ti về mình hơn”, anh Toan bộc bạch.

Tại khu vực dành cho việc tái chế vải vụn, chúng tôi gặp chị Trần Thị Hồng, bị dị tật ở phần lưng, được vào “mái ấm chung” cách đây chừng năm năm. Vừa đưa tay may túi xách, vừa trò chuyện, Hồng nói giờ em đã thành thạo việc may vá và tạo ra những sản phẩm đáp ứng việc mua làm quà lưu niệm của du khách. 

“Ở đây tụi em được học may từ cô giáo, sau đó tự mình tìm kiếm và sáng tạo ra một số sản phẩm mình thích. Sau khi chọn lựa những sản phẩm mình làm ra, nếu có những vật dụng đẹp thì mình sẽ làm nhiều hơn” Hồng tâm sự.

Những sản phẩm được làm từ rác ở vườn tái chế
Những sản phẩm được làm từ rác ở vườn tái chế

Còn em Nguyễn Thị Lệ Trinh chia sẻ: Sau khi học xong phổ thông, em cũng rất muốn học đại học. Nhưng nghĩ lại, sợ làm gánh nặng của mọi người nên thôi học. “Nhờ có khu vườn này, em và các anh chị ở đây được thể hiện tài năng của mình, để mọi người thấy rằng dù bị khuyết tật, tụi em vẫn không thua kém những người lành lặn”,Trinh nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga trải lòng: Chúng tôi muốn bắt đầu từ hành động nhỏ nhất, đơn giản nhất và hi vọng vườn tái chế sẽ là nơi để mọi người trải nghiệm không gian xanh đúng nghĩa. Bên cạnh đó, thông điệp chúng tôi muốn truyền tải đến mọi người, cho dù cơ thể có khiếm khuyết nhưng chúng tôi vẫn làm được nhiều việc ý nghĩa cho cuộc sống này. 

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.