Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Vùng đất "núi Ấn, sông Trà" sẽ vươn lên ngày càng mạnh mẽ

PV - 14:25, 24/12/2023

Đây là tinh thần, khát vọng, mục tiêu thể hiện trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được công bố sáng 24/12, tại Tp. Quảng Ngãi.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh: VGP/MK
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh: VGP/MK

Dự lễ công bố có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, một số bộ, ngành, địa phương…

Dáng dấp của trung tâm công nghiệp, kinh tế biển trọng điểm

Thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Ngãi có vị trí chiến lược quan trọng và hệ thống giao thông đồng bộ kết nối Bắc - Nam và Đông - Tây với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào.

Với gần 130 km bờ biển, Quảng Ngãi có tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế biển, trong đó Khu kinh tế gắn với Cảng biển nước sâu Dung Quất là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trung tâm lọc hóa dầu, năng lượng quốc gia, cơ khí - luyện kim và trung tâm Logistics lớn.

Quảng Ngãi luôn tự hào là trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh, 1 trong 3 nền văn hóa cổ của Việt Nam có niên đại cách đây từ 2.500 - 3.000 năm; giao thoa, tương tác với văn hóa Đông Sơn ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ và văn hóa Óc Eo ở vùng Đông Nam Bộ.

Đây cũng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, anh hùng; nơi hội tụ của văn hóa, của thiên nhiên sơn thủy hữu tình với "Núi Ấn, sông Trà" và người dân hiền hòa, mến khách, có truyền thống cách mạng, quê hương của đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, của những anh hùng khởi nghĩa Ba Tơ và rất nhiều chí sĩ yêu nước, nhà hoạt động cách mạng, lãnh đạo tài ba của đất nước.

Nhân dân Quảng Ngãi nặng nghĩa tình, anh dũng, khí phách, kiên cường, có tinh thần vượt khó, sáng tạo và có tình yêu quê hương tha thiết, cùng khát vọng vươn lên mạnh mẽ để đổi mới, phát triển.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi mở ra khát vọng, không gian sáng tạo, tư duy phát triển mới - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi mở ra khát vọng, không gian sáng tạo, tư duy phát triển mới - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng nêu rõ: Với truyền thống lịch sử văn hóa rất đáng tự hào, cùng tinh thần năng động, sáng tạo, tự tin, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo, của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, Quảng Ngãi đã phát triển đầy ấn tượng.

Từ một tỉnh nghèo, Quảng Ngãi vươn lên trở thành tỉnh phát triển năng động, một trong những trung tâm công nghiệp của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với quy mô nền kinh tế (GRDP) đứng thứ 4/14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, cao gấp khoảng 2 lần năm 2010.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trong giai đoạn đầy khó khăn 2021 - 2023 đạt 5,49%. Tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm khoảng 70% trong cơ cấu kinh tế. Các ngành công nghiệp nền tảng đang là động lực dẫn dắt nền kinh tế Quảng Ngãi. Hệ thống kết cấu hạ tầng đang được đầu tư đồng bộ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 4.398 USD.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhiệt liệt biểu dương những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được trong suốt chặng đường đã qua.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Nhìn nhận, đánh giá đúng các điểm nghẽn, thách thức

Theo Phó Thủ tướng, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi vừa mở ra khát vọng, không gian sáng tạo, tư duy phát triển mới, nhưng cũng cần nhìn nhận, đánh giá đúng những hạn chế có tính chất điểm nghẽn và thách thức đặt ra.

Đó là, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc chủ yếu vào các ngành kinh tế thâm dụng vào tài nguyên.

Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, cung chưa bảo đảm cầu, trong khi sinh viên của Quảng Ngãi được đào tạo có xu hướng chọn các đô thị như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh thay vì trở về quê.

Xung đột, chồng lấn, triệt tiêu lợi thế do cạnh tranh, thiếu liên kết vùng, liên kết ngành, bố trí không gian phát triển chưa hợp lý.

Chưa khơi thông, phát huy được nguồn lực về tự nhiên, truyền thống văn hóa đặc sắc và nhân tố con người của Quảng Ngãi để tạo động lực mới cho tăng trưởng bền vững chất lượng cao.

Tác động của biến đổi khí hậu vẫn đang là thách thức đối với phát triển bền vững, cũng như khả năng dễ bị tổn thương bởi các thiên tai, thời tiết cực đoan của Quảng Ngãi; mâu thuẫn giữa tăng trưởng, dù chưa cao và bảo vệ môi trường ngày một gia tăng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đồng chí lãnh đạo bấm nút khởi công dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đồng chí lãnh đạo bấm nút khởi công dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Hình thành các đô thị kinh tế tổng hợp, chuyên ngành

Chia sẻ một số suy nghĩ về quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quy hoạch, Phó Thủ tướng cho rằng, với 80% dân số sống ở nông thôn, Quảng Ngãi nghiên cứu thật kỹ Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phối hợp Bộ Xây dựng, các địa phương trong vùng để xây dựng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tất cả đô thị của tỉnh.

Nhấn mạnh đô thị là động lực phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng Quảng Ngãi cần phát triển mạng lưới các đô thị theo tư duy kinh tế tổng hợp (thương mại, dịch vụ, công nghiệp, du lịch…), kết hợp đô thị chuyên ngành có năng lực cạnh tranh ở tầm quốc gia, quốc tế, kết nối thông suốt trong nội tỉnh, trong vùng, quốc gia và quốc tế.

"Lộ trình phát triển đô thị phải hướng tới tiêu chuẩn quốc tế, hài hòa, từng bước vững chắc để nguồn nhân lực có thể theo kịp", Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh yêu cầu xanh, hiện đại, thông minh, giữ được bản sắc văn hóa, các đô thị của Quảng Ngãi cũng phải thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác được hết thế mạnh của tự nhiên. Đồng thời, giải được bài toán liên thông giữa khu vực miên núi và đồng bằng ven biển, không gian giữa đô thị và khu vực nông thôn.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trao quyết định chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư cho một số dự án lớn tại địa phương - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trao quyết định chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư cho một số dự án lớn tại địa phương - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Trong phát triển công nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng Quảng Ngãi phải có các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tập trung vào một số chuỗi giá trị hàng hoá lớn, công nghiệp công nghệ cao, cốt lõi… tiến tới làm chủ từ chuyển giao đến thiết kế, nghiên cứu, triển khai, sản xuất, phân phối.

"Năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng, lưới điện thông minh…) sẽ là một lợi thế thu hút đầu tư của Quảng Ngãi", Phó Thủ tướng phân tích thêm.

Quảng Ngãi cũng cần khai thác lợi thế văn hóa, lịch sử, tiềm năng biển đảo để phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch sinh thái; đẩy mạnh kinh tế biển: Nuôi trồng, đánh bắt xa bờ, phát triển trung tâm điện giáo ngoài khơi kết hợp hậu cần nghề cá, bảo về chủ quyền biển đảo…

Với việc triển khai nhiều dự án công nghiệp lớn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Ngãi hết sức quan tâm đến việc chăm lo đời sống của người lao động, phát triển các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có Công đoàn, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, bảo đảm môi trường an ninh, chính trị ổn định và phát triển.

Ngay trong Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày hôm nay, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chứng kiến lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trao các quyết định đầu tư và dự lễ khởi công Dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, có vai trò chiến lược trong kết nối giao thông liên vùng từ Quảng Nam đến Tp. Quảng Ngãi.

Phó Thủ tướng tin tưởng sau khi hoàn thành, tuyến đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi sẽ tạo ra không gian phát triển theo quy hoạch vừa được phê duyệt, cụ thể hoá chủ trương của Nghị quyết số 06 là hạ tầng đi trước đo thị, phát huy hiệu quả nguồn lực, lợi thế về con người, tài nguyên, đất đai của địa phương.


Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Khai giảng nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn

Kiên Giang: Khai giảng nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn

Ngày 07/11, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh đồng loạt khai giảng nhiều khóa bồi dưỡng tiếng Khmer năm 2024, với 160 học viên là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo cấp phòng và tương đương tham gia. Các khóa học diễn ra tại các địa bàn: huyện Giồng Giềng, TP. Rạch Giá và TP. Hà Tiên.