Xuất phát từ Tp. Tuy Hòa, vượt hơn 60 km, chúng tôi kịp đến với Lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm mừng Xuân Quý Mão năm 2023 được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng tại thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân).
Giao lưu văn hóa
Tham gia lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm huyện Đồng Xuân năm nay có 7 đoàn nghệ nhân đồng bào DTTS của các xã Xuân Lãnh, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Đa Lộc, Phú Mỡ, Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) và 2 đoàn đến từ các xã Canh Liên, Canh Hòa (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định). Riêng xã Xuân Lãnh, đơn vị đăng cai có 2 đoàn của 2 thôn Xí Thoại và Hà Rai. Lễ hội là dịp các dân tộc anh em trên địa bàn hai huyện miền núi Đồng Xuân và Vân Canh gặp gỡ, giao lưu văn hóa truyền thống, thắt chặt tình đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Tại lễ hội, các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Ba Na, Chăm đã được tái hiện sinh động và chân thực. Tiếng trống đôi với chuỗi âm thanh tiết tấu đầy ngẫu hứng, lúc thưa nhặt nhẹ nhàng, khi dồn dập sôi nổi của các chàng trai cùng những động tác múa nhuần nhuyễn, tinh tế của cơ thể. Cồng ba giữ bè trầm vừa sâu lắng, vừa mượt mà. Chiêng năm giữ giai điệu thanh thoát, ngân xa vang vọng đến tận rừng sâu… quyện chặt với vũ điệu múa xoang khiến bao người ngất ngây như say men rượu cần.
Hòa cùng âm thanh của trống đôi, cồng ba, chiêng năm và những điệu múa xoang uyển chuyển của các chàng trai cô gái nơi miền sơn cước, lời khấn của thầy cúng trong lễ cúng mừng lúa mới của Đoàn nghệ nhân DTTS thôn Xí Thoại như vọng khắp cả núi rừng: Ơi Yàng! Hôm nay, toàn thể dân làng, già trẻ, gái trai tổ chức lễ cúng mừng lúa mới để tạ ơn các Yàng đã cho chúng ta một năm vụ thu. Cầu xin các Yàng phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, không đau không bệnh; lúa thóc đầy bồ, đủ ăn đủ mặc.
Anh Bùi Văn Hiệp, Trưởng đoàn nghệ nhân DTTS thôn Xí Thoại chia sẻ: “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm là bộ nhạc cụ có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần, nhất là trong những sinh hoạt văn hóa và lễ hội của đồng bào dân tộc Ba Na và Chăm ở Xí Thoại, Xuân Lãnh nói riêng và cộng đồng các DTTS của Phú Yên nói chung. Trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm tại lễ hội để tỏ lòng thành kính tới các đấng thần linh và cầu xin các thần linh che chở phù hộ cho con cháu, buôn làng...”.
Lựa chọn trình diễn lễ cúng rẫy, Đoàn nghệ nhân DTTS xã Xuân Quang 1 giới thiệu đến mọi người về một phong tục lâu đời của đồng bào dân tộc Chăm. Lễ cúng nhằm cầu mong thần rẫy xua đuổi thú rừng bảo vệ mùa màng; cầu thần sông, thần núi, thần rừng cùng với Cha trời, Mẹ đất làm cho mưa thuận, gió hòa để mùa màng tươi tốt.
Theo già So Mai, xã Xuân Quang 1, sau khi thu hoạch xong mùa lúa rẫy vào cuối tháng Chạp, gia chủ sẽ gọi người già, Người có uy tín trong buôn làng đến cúng. Lễ vật gồm có 3 con gà, 1 ché rượu để tế cho thần rẫy, thần đất đai và thần lúa. Bên cạnh đó, gia chủ còn chuẩn bị 3 cây nêu để cúng. Sau phần lễ là phần hội với màn trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm và nhảy arap. Đây cũng là dịp để gia chủ mời bà con, họ hàng, bạn bè cùng đến vui chơi, ăn uống, múa hát, càng đông khách niềm vinh dự càng lớn.
Bảo tồn di sản quốc gia
Đến với lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm tại thôn Xí Thoại của huyện Đồng Xuân năm nay, các nghệ nhân láng giềng xã Canh Liên và Canh Hòa (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) trình diễn bộ ba nhạc cụ này với trích đoạn lễ cúng mừng lúa mới.
Anh Đoàn Văn Sinh, thành viên Đoàn nghệ nhân DTTS xã Canh Hòa chia sẻ: “Rất vui mừng khi hôm nay tôi được về tham dự và trình diễn lễ cúng truyền thống kết hợp trình diễn cồng chiêng, trống đôi, nhảy Arap tại thôn Xí Thoại. Chúng tôi hy vọng có thêm nhiều dịp để giới thiệu, giao lưu văn hóa, ẩm thực, chia sẻ phong tục, tập quán tốt đẹp của mỗi dân tộc”.
Những nhịp chân lắc lư theo nhịp điệu cồng chiêng, trống đôi giục giã, mê hoặc lòng người. Đông đảo du khách và người dân địa phương tham gia, hòa cùng lễ hội sôi nổi, ngất ngây như say men rượu cần. Chị Lê Thị Vân Anh, đến từ Tp. Tuy Hòa phấn khởi nói: “Tiếng trống, tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên trầm hùng, rộn rã khắp đồi núi cùng với những điệu múa truyền thống. Những màn biểu diễn độc đáo để lại thật nhiều ấn tượng trong tôi. Thật là vui khi có mặt tại lễ hội này trong những ngày đất trời vào Xuân”.
Theo ông Phạm Trung Chánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, văn hóa các dân tộc là tài sản vô cùng quý giá. Việc giữ gìn bản sắc và sự đa dạng văn hóa các dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, huyện Đồng Xuân tổ chức lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm mừng Xuân Quý Mão năm 2023 nhằm thực hiện một cách thiết thực tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đây cũng là dịp tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, di sản văn hóa, thể thao, du lịch độc đáo của đồng bào DTTS huyện Đồng Xuân đến với du khách trong và ngoài nước, góp phần gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Trống đôi, cồng ba, chiêng năm. Đồng thời là cầu nối để đồng bào các DTTS gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và cùng hòa mình trong các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao được tổ chức thường xuyên vào ngày 16 tháng Giêng hằng năm.
Cùng với tái hiện các lễ hội truyền thống kết hợp trình diễn cồng chiêng và nhảy arap, các đoàn nghệ nhân còn thi tài qua các môn thể thao dân gian, các món ăn truyền thống, đặc trưng của mỗi dân tộc. Qua đó tăng cường tình đoàn kết, gắn bó các dân tộc trong và ngoài huyện Đồng Xuân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
“Trống đôi, cồng ba, chiêng năm thôn Xí Thoại được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa này, từ năm 2017, Sở VH-TT-DL phối hợp với UBND huyện Đồng Xuân tổ chức lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm vào ngày 16 tháng Giêng. Từ năm 2020, lễ hội này do UBND huyện Đồng Xuân tổ chức, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia”, ông Phạm Trung Chánh cho biết thêm.