Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Vợ chồng thầy giáo làng và những suất ăn miễn phí

PV - 14:40, 17/06/2019

Đều đặn vào mỗi sáng thứ Ba hằng tuần, cửa hàng tạp hóa trước nhà vợ chồng thầy Lương Văn Bá và cô Phạm Thị Thêu (giáo viên Trường THCS Dũng Hợp) lại trở thành quán ăn sáng. Nhưng quán ăn sáng ấy mở ra không phải để kinh doanh mà là để “tiếp sức” cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở trên địa bàn 2 xã Nghĩa Hợp và Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.

Từ sáng sớm, quán tạp hóa của vợ chồng thầy Bá đã đông các “thực khách nhí”. Từ sáng sớm, quán tạp hóa của vợ chồng thầy Bá đã đông các “thực khách nhí”.

Để hoàn thành hơn 200 suất ăn sáng với thực đơn rất phong phú như xôi ruốc, xôi chả, bánh mỳ kẹp trứng…, vợ chồng thầy Bá phải chuẩn bị thực phẩm từ chiều hôm trước. Vào mỗi sáng thứ Ba hằng tuần, vợ chồng thầy Bá phải dậy từ 4 giờ sáng để kịp chế biến đồ ăn. Bữa ăn thường chỉ kéo dài 45 phút-từ khoảng 6 giờ sáng đến 6 giờ 45 phút.

Khoảng 6 giờ sáng, những “thực khách” đầu tiên đã có mặt tại quán của vợ chồng thầy Bá. Bọn trẻ tự chọn chỗ ngồi và gọi đồ ăn mà mình thích. Thầy Bá trực tiếp mang đồ ăn cho các học trò yêu quý của mình.

Nhiều tuần nay, 2 chị em của Hoa, học sinh lớp 7, Trường THCS Dũng Hợp và em trai luôn háo hức đợi đến sáng thứ Ba. Lý do là bởi buổi sáng hôm đó, chị em Hoa sẽ được đến quán ăn sáng của vợ chồng thầy Bá để ăn một bữa no. Bố mẹ Hoa mất trong một tai nạn giao thông cách đây đã 5 năm, hai chị em Hoa phải sống dựa vào bà nội. Bà nội Hoa năm nay đã 80 tuổi, sức khỏe yếu nên không thể đi làm thuê cho người ta. Ba bà cháu vẫn thường phải sống trong cảnh “có gì ăn nấy” nên thức ăn thường chỉ là rau hái trong vườn. Vì vậy, những bữa sáng miễn phí tại quán thầy Bá làm ấm lòng chị em Hoa.

Khi được hỏi duyên cớ nào khiến thầy quyết tâm nấu bữa sáng cho học trò nghèo, thầy Bá cười hiền: “Ngày xưa, tôi và các anh chị em trong nhà thường phải đến trường với cái bụng rỗng. Nhiều hôm đang học, bụng cứ sôi ầm ì vì đói. Tan học về có khi phải bới trộm củ khoai hay củ xu hào gặm tạm cho bớt đói. Bây giờ, dù điều kiện sống đã khác xưa rất nhiều nhưng vẫn có những em học sinh phải nhịn ăn sáng để đến trường, nhiều em đến tiết thể dục của tôi đã không còn đủ sức để chạy bền, tôi thương lắm!”.

Ngoài số tiền trích từ tiền lương của hai vợ chồng, thầy Bá cũng được bạn bè ủng hộ về tài chính. “Tài chính cũng là một vấn đề rất quan trọng nhưng cái tôi lo nhất là số lượng học sinh nhiều, không biết trong một khoảng thời gian rất ngắn có mấy tiếng đồng hồ liệu hai vợ chồng có kham nổi không. Liệu có cung cấp đủ và kịp cho hơn 200 suất ăn mà mình đã hứa không? Thế rồi cuối cùng mọi việc cũng suôn sẻ”, thầy Bá chia sẻ.

Đối tượng được thụ hưởng bữa ăn miễn phí là các em học sinh nghèo, biết vươn lên và có thành tích trong học tập được “chốt” danh sách từ các trường. Dù là miễn phí nhưng các em học sinh có nhiều sự lựa chọn với bánh mì thịt, xôi, mì tôm xào... đảm bảo đủ năng lượng cho hoạt động buổi sáng.

Ngày Tết Thiếu nhi 1/6 vừa qua, vợ chồng thầy Bá còn tổ chức một bữa tiệc tổng kết năm học với sự tham gia của hơn 200 em học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Trong bữa tiệc ngọt, các em học sinh, em nào có giấy khen đều được vợ chồng thầy Bá tặng một món quà tuy nhỏ nhưng rất ý nghĩa để động viên tinh thần.

Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Dũng Hợp khẳng định: “Hoạt động tổ chức bữa ăn sáng của vợ chồng thầy Lương Văn Bá, cô Phạm Thị Thêu rất đáng được ghi nhận. Tuy mỗi tuần chỉ có một bữa thôi nhưng đã động viên, khích lệ các em rất nhiều”.

TRÌNH BÁ

Tin cùng chuyên mục
Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) được xem là một quyết sách đặc biệt giúp Quảng Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình đã bước đầu phát huy hiệu quả, làm đổi thay bộ mặt của vùng DTTS và miền núi của tỉnh.