Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những nỗi đau, mất mát chưa bao giờ nguôi ngoai trong tâm chí Mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Hữu (Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Nói chuyện với chúng tôi, mẹ Hữu vẫn nhớ như in những ngày đau thương đó. Mẹ đâu ngờ ngày tiễn chồng lên đường ra chiến trường cũng chính là ngày cuối cùng hai vợ chồng gặp nhau. Sau ngày chồng hy sinh, gác lại nỗi đau, mẹ Hữu một mình nuôi hai con nhỏ. Không quản khó khăn mẹ còn tích cực tham gia đào hầm, tăng gia sản xuất, chi viện cho tiền tuyến. Năm 1960, mẹ lại tiễn cậu con trai lớn Đỗ Văn Đải lên đường nhập ngũ. 8 năm sau, một lần nữa, mẹ Hữu lại chết lặng, khi nhận được giấy báo tử của con.
Thế nhưng đó là câu chuyện của quá khứ, chôn chặt những câu chuyện buồn trong lòng, mẹ Hữu giờ đây vẫn từng ngày sống vui vẻ bên con cháu của mình. Đối với mẹ, nhìn thấy con cháu được khỏe mạnh, lại nhận được sự quan tâm, chia sẻ của người dân, chính quyền địa phương là niềm vui lớn nhất mà mẹ có. Năm 2014, mẹ Hữu được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”.
“Giờ được Nhà nước chăm sóc, trợ cấp hằng tháng, được các tổ chức, đoàn thể đến thăm hỏi thường xuyên và được cả đơn vị bộ đội nhận nuôi, phụng dưỡng, mẹ vui lắm! Hơn thế nữa, hằng năm mẹ còn được Chủ tịch nước gửi thư chúc thọ; được UBND huyện Yên Lạc trích Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa nhà”, mẹ Hữu chia sẻ.
Cùng với mẹ Hữu, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có gần 1.600 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có 38 mẹ đang sống vui vẻ bên con cháu. Tại Trung tâm Điều dưỡng người có công (NCC) Tam Đảo (Vĩnh Phúc), nơi thực hiện điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho NCC, cho đối tượng chính sách có công với cách mạng thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và một số tỉnh lân cận phía Bắc, chúng tôi được ông Phạm Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm được thành lập tháng 8/2010, từ đó đến nay, Trung tâm đã đưa đón và điều dưỡng trên 20 nghìn lượt NCC với cách mạng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và được NCC đánh giá cao.
Ông Nguyễn Hữu Đoan (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), là thương binh và bị nhiễm chất độc da cam trong kháng chiến chống Mỹ, chia sẻ: “Tôi đến điều dưỡng ở Trung tâm nhiều năm nay. Lần này, Trung tâm có thêm phòng tập phục hồi chức năng giúp chúng tôi tập các bài thể dục nhẹ nhàng, nâng cao sức khỏe. Chúng tôi không chỉ được chăm sóc chu đáo, mà còn được thăm quan nhiều nơi, có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn bè, đồng đội tại các địa phương khác”.
Hướng tới kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngay từ đầu năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều hoạt động như: Tuyên truyền, cổ động bằng nhiều hình thức báo, đài, băng rôn, pa nô; phát động phong trào xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa năm 2020; trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với NCC thêm 500.000 đồng/người/tháng theo gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Chính phủ; tổ chức lễ cất bốc, bàn giao hài cốt liệt sĩ cho Ban Chỉ đạo các địa phương…
Đặc biệt, trong tháng 7 này, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tổ chức các buổi thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công; tổ chức viếng các nghĩa trang trong và ngoài tỉnh; tổ chức thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ… Đây là những việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là hành động tri ân kịp thời, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.