Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Vĩnh Phúc: Tích cực nâng cao năng lực khám, chữa bệnh tại các trạm y tế cơ sở

Khánh Sơn - 15:17, 11/08/2023

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay, mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng được đầu tư hoàn thiện. Qua đó, giúp người bệnh được tiếp cận với các loại hình dịch vụ khám, chữa bệnh ngay tại địa phương, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên và giảm chi phí cho người bệnh, nhất là người bệnh nghèo, vùng DTTS và miền núi.

Nâng cao năng lực cho y tế cơ sở trong thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân
Nâng cao năng lực cho y tế cơ sở để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp tại 136 xã, phường, thị trấn. Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các trạm y tế luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung ứng thuốc thiết yếu, quản lý sức khỏe cộng đồng, truyền thông, giáo dục sức khỏe…

Đến Trạm Y tế xã Bồ Lý (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), điều dễ nhận thấy là hình ảnh người dân vui vẻ yên tâm khi ra về khiến chúng tôi phần nào hiểu được sự hài lòng của họ khi đến khám, chữa bệnh tại đây. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, người dân tộc Sán Dìu ở thôn Đồng Cà (xã Bồ Lý) bị cao huyết áp và di chứng sau tai biến khiến cánh tay cùng chân bên phải khó cử động nên thường xuyên đến Trạm Y tế xã Bồ Lý để khám bệnh. Ông Thắng chia sẻ: “Mỗi khi bị đau ốm, tôi đều đến Trạm y tế xã khám bệnh và được Bác sĩ phát thuốc điều trị, không phải mua thuốc bên ngoài. Các cán bộ, y bác sĩ ở đây rất chu đáo, ân cần với người bệnh nên hầu như người dân khi có bệnh đều muốn đến Trạm Y tế xã khám, điều trị”.

Có thể thấy rằng, sự tin tưởng của người bệnh khi đến điều trị tại Trạm Y tế xã chính là nhờ sự nỗ lực khắc phục khó khăn, tận tâm của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ tại trạm. Cùng với đó, không thể không nhắc đến sự quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân của chính quyền địa phương.

Được biết, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, Trạm Y tế xã Bồ Lý đã được bố trí 6 cán bộ, y, bác sĩ cùng 12 y tế thôn bản. Đội ngũ cán bộ, y bác sĩ đều được tạo điều kiện tham gia đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ đảm bảo đạt chuẩn để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. 

Nhờ vậy, trung bình mỗi năm Trạm Y tế xã Bồ Lý đã khám và điều trị cho trên 6 nghìn lượt người trong đó nhiều bệnh nhân nặng được sơ cấp cứu và chuyển lên tuyến trên kịp thời, không để xảy ra sai sót trong chuyên môn. Cùng với đó, công tác phòng, chống dịch bệnh, các chương trình như tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… cũng được Trạm Y tế xã Bồ Lý thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, Trạm Y tế xã Bồ Lý còn chủ động phối hợp với các trường học để hỗ trợ sơ cứu trường hợp học sinh bị thương tích; tuyên truyền về sức khỏe giới tính; hướng dẫn và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn tập thể tại trường mầm non và trường tiểu học…

Ngành Y tế tỉnh Vĩnh Phúc từng bước đưa công nghệ vào công tác khám, chữa bệnh
Ngành Y tế tỉnh Vĩnh Phúc từng bước đưa công nghệ vào công tác khám, chữa bệnh

Theo ông Đào Văn Đăng, Trưởng Phòng Kế hoạch (Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc) toàn tỉnh hiện có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp tại 136 xã, phường, thị trấn. Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được củng cố và hoàn thiện. Hiện, 100% trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã, 100% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi.

Các hoạt động y tế dự phòng và các chương trình y tế dân số tại các trạm y tế được triển khai hiệu quả. Năm 2022, có 136/136 trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý phòng, chống bệnh không lây nhiễm; 103/136 trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện điều trị, cấp phát thuốc cho các bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính); 96,3% trạm y tế xã thực hiện khám, chữa bệnh BHYT.

Tỷ lệ người dân được khám và quản lý sức khỏe cá nhân đạt 94,7%, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 94,8%. Tuy nhiên, theo rà soát của ngành Y tế, hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều trạm y tế đã cũ, hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn.

Các trạm y tế xã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân
Các trạm y tế xã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân

Ông Đào Văn Đẳng cho biết thêm, trong năm 2022, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã tham mưu, trình thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư các dự án xây mới, cải tạo, sửa chữa 13 trạm y tế tuyến xã và các phòng khám đa khoa khu vực. Đồng thời, phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng các công trình cải tạo, sửa chữa 12 trạm y tế tuyến xã, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân tại tuyến cơ sở và phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.

Hiện, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đang tiến hành rà soát, đánh giá lại các trạm y tế theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã gồm 10 tiêu chí. Đồng thời, tiến hành khảo sát thực trạng hoạt động khám, chữa bệnh; đánh giá năng lực chuyên môn khám, chữa bệnh; sự tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh của người dân tại các trạm y tế. Từ đó, tiến hành phân loại các trạm y tế xã để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở từng địa phương, khu vực.

Cùng với đó, tỷ lệ danh mục kỹ thuật theo phân tuyến được thực hiện tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện đều tăng. Toàn ngành thực hiện được 622 kỹ thuật mới, tăng 370 kỹ thuật, trong đó có nhiều kỹ thuật vượt tuyến của tuyến trung ương. Công suất sử dụng giường bệnh đạt 92,2%. Công tác nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ hoạt động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế được thực hiện hiệu quả với tổng số 142 đề tài và sáng kiến.

“Trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhằm củng cố và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đối với mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh;  tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, đồng thời tiếp tục thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân” ông Đào Văn Đẳng khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.