Tái diễn “trên bảo dưới không nghe”!
Báo Dân tộc và Phát triển điện tử ngày 17/10/2023 đăng tải bài viết: “Tây Sơn (Bình Định): Doanh nghiệp khai thác cát phớt lờ chỉ đạo của UBND tỉnh, chặn đường cản trở phóng viên tác nghiệp”. Bài viết phản ánh tình trạng Công ty TNHH Thương mại Vận tải Xăng dầu Lan Anh (Công ty Lan Anh) có trụ sở tại phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định không tuân thủ các quy định của tỉnh trong việc khai thác cát trên địa bàn thôn Phú Lạc, xã Bình Thành; các hình ảnh, thông tin được nêu trong bài viết được phóng viên điều tra, thu thập thông tin kỹ lưỡng, đúng với thực tế.
Theo đó, bài viết phản ánh: Ngày 16/11/2021, UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy phép số 132/GP-UBND cho Công ty Lan Anh, tỉnh Bình Định được khai thác cát tại khu vực sông Kôn 2, thuộc thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn; thời hạn khai thác là 02 năm kể từ ngày ký giấy phép.
Trong giấy phép, UBND tỉnh Bình Định quy định rõ, Công ty Lan Anh chỉ được khai thác từ ngày 1/1 đến ngày 15/9 hằng năm. Sau thời hạn trên (tức là từ ngày 16/9 đến trước ngày 1/1 của năm sau - Pv), doanh nghiệp (DN) này phải ngừng mọi hoạt động khai thác. Trong giấy phép, UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu, trong thời gian từ ngày 16/9 đến ngày 30/9 hằng năm, DN phải hoàn thành việc thanh thải dòng chảy, thu dọn đường công vụ trên sông để chuẩn bị cho mùa mưa lũ.
Quy định về thời gian thực hiện hoạt động khai thác cát trong năm trên địa bàn tỉnh Bình Định đã áp dụng từ năm 2020, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tại Văn bản số 5958/UBND-KT ngày 4/9/2020. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với các địa phương, đơn vị, DN liên quan nghiêm túc thực hiện quy định này.
Hơn một năm sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Công ty Lan Anh mới được phép khai thác mỏ cát tại khu vực sông Kôn 2, thuộc thôn Phú Lạc, theo Giấy phép số 132/GP-UBND ngày 16/11/2021. Tuy nhiên, DN này đã không tuân thủ theo các quy định trong giấy phép, không hoàn thành thanh thải dòng chảy, thu dọn đường công vụ trên sông để chuẩn bị cho mùa mưa lũ.
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 11/10/2023, tại hiện trường khu vực mỏ cát của Công ty Lan Anh ở thôn Phú Lạc, nhiều ụ cát vẫn ngổn ngang trên sông Kôn; đường công vụ còn nguyên giữa lòng sông; các xe ô tô vận chuyển cát vẫn ra vào hoạt động bình thường. Trong khi đó, theo quy định về thời gian khai thác của tỉnh Bình Định thì Công ty Lan Anh phải tiến hành thanh thải dòng chảy, thu dọn đường công vụ trên sông trước ngày 30/9/2023.
Có hay không sự “bảo kê”?
Sau khi ghi nhận thực địa, ngay trong chiều ngày 11/10/2023, phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Tây Sơn để làm rõ việc chấp hành quy định của DN về thời gian thực hiện hoạt động khai thác cát trong năm và trách nhiệm về thanh thải dòng chảy, thu dọn đường công vụ trên sông để chuẩn bị cho mùa mưa lũ.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng phòng TN&MT huyện Tây Sơn cho biết: “Qua công tác kiểm tra, chúng tôi nhận thấy đường công vụ của Công ty Lan Anh không gây cản trở nhiều đến dòng chảy của sông nên cho để lại”. Điều này có nghĩa, Trưởng phòng TN&MT huyện Tây Sơn thừa nhận, Công ty Lan Anh tại thời điểm ngày 11/10/2023 chưa thực hiện thanh thải dòng chảy, thu dọn đường công vụ theo quy định. Ông Hùng cũng cho biết thêm là đã báo cáo lên cấp trên và đây là ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn.
Để xác thực thông tin của ông Hùng, ngày 12/10/2023, phóng viên liên hệ với ông Phan Chí Hùng - Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn. Sau khi tiếp nhận thông tin việc Công ty Lan Anh chưa chấp hành quy định của tỉnh và ý kiến của của Trưởng phòng TN&MT, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng cho biết, thời gian qua, huyện nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định trong công tác quản lý hoạt động của các mỏ cát trên địa bàn.
Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng khẳng định, đến thời hạn tạm ngừng hoạt động theo quy định, huyện tổ chức họp các ban ngành, quán triệt tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác quản lý khai thác khoáng sản; đồng thời tổ chức đoàn đi kiểm tra, yêu cầu các mỏ cát trên địa bàn thu dọn đường công vụ trên sông, thực hiện việc thanh thải dòng chảy trước mùa mưa lũ.
“Việc Công ty Lan Anh cho đến thời điểm hiện tại chưa thu dọn đường công vụ trên sông như phóng viên phản ánh, tôi sẽ chỉ đạo Phòng TN&MT tiến hành kiểm tra và có biện pháp xử lý”, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết.
Trước sự “đá nhau” trong quan điểm xử lý vụ việc giữa Trưởng phòng TN&MT huyện Tây Sơn và Chủ tịch UBND huyện này, ngày 14/10/2023, phóng viên đã trao đổi với ông Trần Đình Chương - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định. Phóng viên ghi nhận quan điểm xử lý của Sở TN&MT tỉnh trùng với quan điểm của Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn.
Cụ thể, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Đình Trần Đình Chương khẳng định: “Tất cả các mỏ cát không phục vụ cho các công trình cấp bách của tỉnh - UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo cụ thể, đều phải tạm dừng hoạt động, thu dọn đường công vụ trên sông, thanh thải dòng chảy trước ngày 30/9. Việc Công ty Lan Anh, theo phản ánh của phóng viên là đến ngày 11/10 chưa thu dọn theo quy định thì Sở sẽ có ý kiến với địa phương kiểm tra. Sau khi có kết quả kiểm tra, Sở sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”.
Để có thông tin đa chiều hơn, trong các ngày: 12, 13 và 16/10/2023 (trước thời điểm báo đăng tải), phóng viên đã nhiều lần liên lạc lại với ông Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng phòng TN&MT huyện Tây Sơn. Ông Hùng không nghe máy nên chúng tôi liên lạc với ông Nguyên Văn Vui – Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Tây Sơn; nhưng cũng như ông Hùng, ông Vui không hề bắt máy. Vì sao lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Tây Sơn lại có biểu hiện né tránh này?
Đáng nói là, trong quá trình ghi nhận thực tế tại mỏ cát Lan Anh, phóng viên bị một đối tượng xưng là người trông coi mỏ yêu cầu không được chụp ảnh. Khi phóng viên di chuyển ra khỏi khu vực mỏ cát thì đối tượng này dùng xe máy chặn đầu và cho một xe múc giương cần chắn ngang đường không cho xe phóng viên ra về. Sau đó, có một số máy lạ gọi cho phóng viên, xưng tên là “Tuấn Đen” chủ mỏ cát, dùng lời lẽ xúc phạm phóng viên và yêu cầu phải chụp ảnh thẻ nhà báo để gửi cho đối tượng này?.
Sự áp đặt khó hiểu
Với ý thức trách nhiệm và tuân thủ các quy định trong hoạt động nghiệp vụ, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã tìm mọi cách để xác minh thông tin đa chiều. Ngày 17/10/2023, Báo Dân tộc và Phát triển đã đăng tải bài viết phản ánh chân thực, khách quan thực tế ghi nhận được trong ngày 11/10/2023 tại khu vực mỏ cát của Công ty Lan Anh.
Việc Công ty Lan Anh không tuân thủ quy định của UBND tỉnh cũng như cách xử lý khó hiểu của Phòng TN&MT huyện Tây Sơn đã được phóng viên phản ánh đầy đủ với lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn và lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Bình Định từ ngày 11 - 15/10/2023, nhưng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không có động thái để kiểm tra, làm rõ. Chỉ khi Báo Dân tộc và Phát triển đăng tải bài phản ánh, ngày 19/10/2023, Sở TN&MT tỉnh Bình Định mới phối hợp với huyện Tây Sơn tổ chức kiểm tra hiện trường.
Đến ngày 26/10/2023, Công ty Lan Anh có đơn gửi các cơ quan liên quan, khiếu nại Báo Dân tộc và Phát triển thông tin không đúng sự thật, không khách quan. Đơn khiếu nại của DN này dựa trên “Biên bản kiểm tra thực địa” ngày 19/10/2023, do Sở TN&MT tỉnh Bình Định và UBND huyện Tây Sơn, UBND xã Bình Thành và đại diện Công ty Lan Anh thực hiện.
Căn cứ vào đơn của DN, trong các ngày: 18/12/2023; 4/01/2024; 23/1/2024 và 24/1/2024 Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Bình Định đã làm việc với Báo Dân tộc và Phát triển. Tại các buổi làm việc, Báo Dân tộc và Phát triển đã cung cấp đầy đủ các hình ảnh, file ghi âm,... là chứng cứ cho thông tin chính xác về việc Công ty Lan Anh không tuân thủ quy định của UND tỉnh Bình Định tại thời điểm chiều ngày 11/10/2023, ở khu vực mỏ cát thôn Phú Lạc. Những thông tin này là hoàn toàn phù hợp với các hình ảnh, tiêu đề trong bài viết đăng trên Báo Dân tộc và Phát triển ngày 17/10/2023.
Là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp quản lý nhà nước về báo chí; xuất bản, đáng lẽ, Sở TT&TT tỉnh Bình Định phải tiến hành xác minh thông tin của các bên liên quan. Đặc biệt là tiến hành xác minh, kiểm chứng tài liệu, chứng cứ (bằng hình ảnh và file ghi âm) do phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển cung cấp có đúng với thực tế hay không, để làm cơ sở giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong các buổi làm việc, Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Bình Định chỉ căn cứ vào “Biên bản kiểm tra thực địa” do Sở TN&MT, Phòng TN&MT huyện Tây Sơn, UBND xã Bình Thành và đại diện Công ty Lan Anh xác lập ngày 19/10/2023.
Từ đó, trong Biên bản làm việc ngày 23/1/2024, Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Bình Định kết luận, trong bài viết: “Tây Sơn (Bình Định): Doanh nghiệp khai thác cát phớt lờ chỉ đạo của UBND tỉnh, chặn đường cản trở phóng viên tác nghiệp” đăng trên Báo Dân tộc và Phát triển điện tử ngày 17/10/2023 vi phạm Điểm b – Khoản 2 - Điều 8 của Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, tức là “Minh họa, đặt tiêu đề tin, bài không phù hợp nội dung thông tin làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin”!?.
Rõ ràng, Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Bình Định chỉ căn cứ vào chứng cứ không đúng với bản chất vụ việc (Biên bản kiểm tra thực địa tiến hành vào ngày 19/10/2023, trong khi đó Báo Dân tộc và Phát triển phản ánh hiện trạng tại mỏ cát của Công ty Lan Anh vào ngày 11/10/2023) và đang cố tình bỏ qua các tài liệu, chứng cứ liên quan được Báo Dân tộc và Phát triển điều tra, phát hiện và phản ánh tình trạng DN “phớt lờ” quy định của UBND tỉnh trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn để nhận định, xử lý vụ việc.
Chứng minh cho nhận định này là: Nội dung thông tin trong bài viết: “Tây Sơn (Bình Định): Doanh nghiệp khai thác cát phớt lờ chỉ đạo của UBND tỉnh, chặn đường cản trở phóng viên tác nghiệp” đăng tải ngày 17/10/2023 là phản ánh hiện trạng khu vực mỏ của Công ty Lan Anh vào ngày 11/10/2023; không phản ánh hiện trạng ngày 19/10/2023 – thời điểm cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tỉnh Bình Định xác lập “Biên bản kiểm tra thực địa”.
Chúng tôi tiếp tục khẳng định, các tài liệu, chứng cứ do phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển thu thập được tại thời điểm ngày 11/10/2023 cho thấy, Công ty Lan Anh không tuân thủ chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định về khai thác khoáng sản. Điều này cũng đã được Trưởng phòng TN&MT huyện Tây Sơn Nguyễn Xuân Hùng thừa nhận như đã nêu trên.
Vậy, trong thời điểm từ ngày 11 đến ngày 19/10/2023, liệu Công ty Lan Anh có tác động nào để làm thay đổi hiện trạng khu vực mỏ, khác với hiện trạng vào ngày 11/10/2023 mà phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã ghi nhận và phản ánh với lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Bình Định hay không? Vì sao Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Bình Định không tiến hành xác minh các tài liệu, chứng cứ về hiện trạng khu vực mỏ cát của Công ty Lan Anh tại thời điểm ngày 11/10/20223 do Báo Dân tộc và Phát triển cung cấp mà chỉ căn cứ vào kết quả kiểm tra hiện trạng khu vực mỏ vào ngày 19/10/2023?
Việc chỉ căn cứ vào Biên bản kiểm tra thực địa ngày 19/10/2023 cho thấy, Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Bình Định rất khiên cưỡng, áp đặt trong việc giải quyết vụ việc. Liệu, đằng sau sự khiên cưỡng, áp đặt này có gì khuất tất?
Câu hỏi này xin gửi tới Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin vụ việc này đến bạn đọc.