Trước hiện trạng và nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đến sự phát triển bền vững của tất cả quốc gia, từ năm 1990 đến nay, cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực nhằm hợp tác, hỗ trợ các quốc gia có thể thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và cùng nhau giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu kỳ vọng giữ cho nhiệt độ khí quyển Trái đất tăng không quá 2oC vào cuối thế kỷ này.
Trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto là văn bản pháp lý quan trọng nhất với sự cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính của các quốc gia phát triển trong 2 giai đoạn, giai đoạn I từ năm 2005-2012 và giai đoạn II từ năm 2013-2020. Với mức cam kết cắt giảm phát khí nhà kính định lượng so với năm 1990 của giai đoạn I là trên 5% và giai đoạn II là trên 18%. Các bên đã tích cực thực hiện thông qua 3 cơ chế hỗ trợ là: Cơ chế đồng thực hiện (JI); Cơ chế phát triển sạch (CDM); và Cơ chế mua bán phát thải quốc tế (ET).
Trong bối cảnh Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020, giai đoạn từ 2021-2030, các bên tham gia Công ước năm 2015 tại Paris sẽ cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu theo “Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu”. Tham gia Thoả thuận Paris, Việt Nam cam kết thực hiện đồng thời hai giải pháp về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Theo Báo cáo Đóng góp quốc gia tự thực hiện (NDC) của Việt Nam gửi Ban Thư ký UNFCCC năm 2015, Việt Nam cam kết tự thực hiện giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải thông thường (BAU) trong giai đoạn 2021-2030 và có thể đạt 25% khi nhận được thêm nguồn lực hỗ trợ đầy đủ từ cộng đồng tế.
Để triển khai các mục tiêu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các hoạt động công nghiệp và năng lượng tại Việt Nam, Bộ Công thương đã thành lập Ban Chỉ đạo về Ứng phó với biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm Trưởng ban, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng làm Phó trưởng ban, Thành viên có sự tham gia chủ chốt của 2 đơn vị là Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững-là cơ quan trường trực của Ban Chỉ đạo và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo. Đây là hai đơn vị chủ trì cho việc triển khai các chính sách, thực hiện các giải pháp về sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Trên cơ sở Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, hệ thống các văn bản hướng dẫn, quy định như việc áp dụng dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị tiêu thụ năng lượng, quy định về định mức tiêu hao năng lượng tối thiểu và lộ trình áp dụng cho một số ngành sử dụng năng lượng lớn, về cơ bản đã được xây dựng hoàn chỉnh. Các hoạt động hỗ trợ như thông tin, tuyên truyền, đào tạo tập huấn cán bộ quản lý năng lượng hiệu quả,... đều được triển khai thường xuyên và đem lại nhiều kết quả cụ thể và thiết thực.
Triển khai Chiến lược phát triển năng lượng, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và Quy hoạch phát triển điện lực đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam, thời gian qua, Bộ Công thương đã xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển các dạng năng lượng tái tạo như điện gió, điện từ mặt trời, điện từ sinh khối và điện từ chất thải rắn với các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi khá đầy đủ. Tuy nhiên, với bản chất về chi phí giá đầu tư cao và các mặt hạn chế về kỹ thuật của các dạng năng lượng này nên kết quả đạt được vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng.
NGUYỄN QUANG HUY