Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Việt Nam lần thứ 5 trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO

PV - 11:22, 18/11/2021

Trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành là cơ hội tốt để Việt Nam thể hiện “trách nhiệm kép” trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, tận dụng sáng kiến của UNESCO phục vụ xây dựng, phát triển đất nước.

Quang cảnh phiên họp công bố danh sách các nước trúng Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh phiên họp công bố danh sách các nước trúng Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025. Ảnh: TTXVN

Ngày 17/11, trong khuôn khổ khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 tại Paris (Pháp), Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2021-2025

Với số phiếu rất cao, 163/178, tương đương với 92%, đây là lần thứ năm Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO.

Theo ông Mai Phan Dũng, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, thuộc Bộ Ngoại giao, đồng thời là trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41, việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO.

Ông Mai Phan Dũng cho biết đây là kết quả của đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam, đồng thời là kết quả của quá trình triển khai bài bản và đồng bộ kế hoạch ứng cử trong những năm vừa qua.

Trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 cho rằng việc trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành là cơ hội tốt để Việt Nam thể hiện “trách nhiệm kép” trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, tận dụng các ý tưởng, sáng kiến của UNESCO phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước một cách bền vững, đồng bộ và toàn diện. Đồng thời, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp thực chất vào các vấn đề quốc tế mà UNESCO đang quan tâm thúc đẩy.

Việt Nam đã từng là thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 1978-1983, 2001-2005, 2009-2013 và nhiệm kỳ 2015-2019.

Ông Mai Phan Dũng cho biết trong nhiệm kỳ 2021-2025 này, Việt Nam sẽ đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO trên 5 lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thông tin truyền thông, đồng thời khẳng định vai trò, uy tín của Việt Nam tại UNESCO nói riêng và trên trường quốc tế nói chung, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Hội đồng Chấp hành gồm 58 thành viên, là cơ quan điều hành quan trọng của UNESCO, chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và ngân sách của tổ chức, bỏ phiếu chọn ứng cử viên Tổng Giám đốc UNESCO để Đại hội đồng UNESCO thông qua./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.