Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Việt Nam ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong do viêm não vi rút trong năm 2021

PV - 18:12, 22/04/2021

Theo báo cáo công tác y tế tháng 4/2021 vừa được Bộ Y tế gửi Văn phòng Chính phủ, trong tháng 4 này, cả nước ghi nhận 64 trường hợp mắc viêm não vi rút, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Bến Tre. Đây cũng là trường hợp đầu tiên tử vong do viêm não vi rút trong năm nay.

Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ là biện pháp phòng bệnh hiệu quả
Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ là biện pháp phòng bệnh hiệu quả

Như vậy, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 145 trường hợp mắc viêm não vi rút. Tổng số mắc viêm não vi rút năm nay tương đương với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra, trong tháng này cũng ghi nhận 2 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu nhưng không có trường hợp tử vong. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 8 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại TP. Hồ Chí Minh. So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc viêm màng não do não mô cầu tăng 4 trường hợp.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam là nước nhiệt đới, lưu hành nhiều bệnh truyền nhiễm do côn trùng truyền bệnh, trong đó có các bệnh viêm não vi rút đặc biệt vào mùa hè, mùa thích hợp cho các côn trùng truyền bệnh phát triển. Bệnh viêm não vi rút là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây nên, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao.

Viêm não Nhật Bản có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5, 6 và 7. Sở dĩ bệnh hay gặp vào mùa này vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín, thu hút chim từ rừng về, mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã rồi từ đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và sau đó, lây sang cho người.

Ngoài bệnh viêm não vi rút, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết và tay chân miệng cũng là bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát trong mùa hè. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 4 này, cả nước ghi nhận 3.728 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó, có 2 trường hợp tử vong.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 19.710 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 4 tỉnh, thành phố: Bình Dương (1 trường hợp), Phú Yên (2 trường hợp), Sóc Trăng (1 trường hợp), TP. Hồ Chí Minh (1 trường hợp). So với cùng kỳ năm 2020, số mắc sốt xuất huyết giảm 16,3% nhưng số ca tử vong tăng 1 trường hợp.

Về bệnh tay chân miệng, trong tháng này cũng ghi nhận 8.705 trường hợp mắc, 3 trường hợp tử vong. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 20.576 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại 3 tỉnh: Đăk Lăk (1 trường hợp), Kiên Giang (2 trường hợp), An Giang (1 trường hợp). So với cùng kỳ năm 2020, số mắc tay chân miệng trên cả nước tăng 1,9 lần.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa hè năm 2021, Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

Đặc biệt, các tỉnh, thành phố phải đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn và tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng...

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.