Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Việt Nam - Campuchia cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, đời sống Nhân dân ngày càng phát triển

Minh Thu - 10:43, 22/09/2023

Biên giới trên đất liền giữa hai nước Việt Nam và Campuchia có chiều dài khoảng 1.137km, khởi đầu tại cột mốc số 0 ở vị trí giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào. Điểm kết thúc ở bờ vịnh Thái Lan tiếp giáp giữa tỉnh Kiên Giang (Việt Nam) và tỉnh Kampot (Campuchia) với cột mốc mang số hiệu 314.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Thầy, BĐBP Kon Tum phối hợp tuần tra song phương với lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia (Ảnh: Văn Lý).
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Thầy, BĐBP Kon Tum phối hợp tuần tra song phương với lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia (Ảnh: Văn Lý).

Chủ động liên kết khu vực biên giới

Từ năm 2013, Việt Nam và Campuchia thống nhất bổ sung thêm mốc phụ và cọc dấu để làm rõ thêm hướng đi của đường biên giới trên thực địa và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng quản lý.

Trong những năm 2013 - 2018, hai bên đã phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai công tác xác định, cắm mốc phụ và cọc dấu; phối hợp hoàn thiện bộ bản đồ địa hình biên giới và thể hiện thành quả phân giới, cắm mốc lên bản đồ; xây dựng văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới, cắm mốc đã đạt được.

Cuối năm 2018, hai nước đã hoàn thành phân giới được khoảng 1.045km đường biên giới, xây dựng được 2.047 cột mốc tại 1.553 vị trí. Hiện nay, Việt Nam và Campuchia đang nỗ lực phối hợp giải quyết khối lượng công việc còn lại để sớm hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền, để xây dựng đường biên giới hai nước hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững. Ngày 5/10/2019, tại Hà Nội, Việt Nam và Campuchia đã ký chính thức hai văn kiện ghi nhận 84% thành quả phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền.

Hoạt động đối ngoại Nhân dân giữa 3 xã biên giới Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi Thuận, huyện Bến Cầu tỉnh Tây Ninh (Việt Nam) với đại diện lãnh đạo phường, Biên phòng, Công an phường Bavet, Choót tế, Thành phố Bavet, tỉnh Svay Riêng, Vương quốc Campuchia.
Hoạt động đối ngoại Nhân dân giữa 3 xã biên giới Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi Thuận, huyện Bến Cầu tỉnh Tây Ninh (Việt Nam) với đại diện lãnh đạo phường, Biên phòng, Công an phường Bavet, Choót tế, Thành phố Bavet, tỉnh Svay Riêng, Vương quốc Campuchia.

Như tại tỉnh Kiên Giang, là cửa ngõ giao thương với nước bạn Campuchia với đường biên giới trên bộ dài 56,8 km. Tỉnh đã phát huy tối đa điều kiện hiện có, nâng cao chất lượng công tác đối ngoại, gắn kết chặt chẽ với việc tăng cường mức độ liên kết khu vực biên giới; thực hiện tốt việc phân giới, cắm mốc. Đến nay, Kiên Giang đã thành lập và duy trì 22 Tổ Nhân dân tự quản với 190 hộ/722 nguời, đăng ký tự quản 56,8 km đường bộ và 28/28 cột mốc.

Theo Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy Kiên Giang, thời gian qua, công tác thông tin đối ngoại, phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới đã góp phần xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị. Nhờ đó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tuyến biên giới ổn định; kinh tế - xã hội phát triển; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Quan hệ Nhân dân hai bên biên giới được củng cố, thắm tình đoàn kết.

Tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó

Tại tỉnh Đắk Lắk, địa phương có hơn 70km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia) - hai địa phương có mối quan hệ truyền thống lâu đời, giao lưu gắn bó mật thiết. Trong suốt tiến trình lịch sử, mối quan hệ đoàn kết giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Mondulkiri tiếp tục được tăng cường trên các lĩnh vực. Hai tỉnh đã chủ động, phối hợp triển khai thực hiện Bản ghi nhớ về quan hệ hữu nghị và hợp tác.

Hiện, Đắk Lắk đang duy trì triển khai 3 dự án do các doanh nghiệp tỉnh đầu tư phát triển cây cao su vào tỉnh Mondulkiri và Rattanakiri với diện tích 14.800ha, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 135 triệu USD; tiến hành khảo sát và thảo luận kế hoạch hợp tác trong các lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật với chính quyền tỉnh Mondulkiri… Đồng thời, phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong thời gian chiến tranh tại tỉnh Mondulkiri.

Đặc biệt, thời gian qua, hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, phát hiện, đấu tranh với hoạt động của các thế lực thù địch, phản động chống phá quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia; hợp tác, phối hợp đấu tranh với tội phạm, nhất là tội phạm hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia như tội phạm về ma túy, mua bán người...

Cùng với đó, lực lượng Biên phòng 10 tỉnh biên giới của Việt Nam đã phối hợp tốt với lực lượng bảo vệ biên giới 9 tỉnh biên giới của Campuchia thường xuyên tổ chức gặp gỡ, trao đổi tình hình, cùng nhau đánh giá những vấn đề có liên quan đến chủ quyền, an ninh, trật tự biên giới. Công tác phối hợp tuần tra song phương giữa các đồn, trạm Biên phòng Việt Nam và các đơn vị bảo vệ biên giới của Campuchia luôn được duy trì, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới.

Biểu diễn văn nghệ tại giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia (năm 2019).
Biểu diễn văn nghệ tại giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia (năm 2019).

Các hoạt động giao lưu hữu nghị, kết nghĩa ở khu vực biên giới; kết nghĩa giữa các đồn, trạm thuộc lực lượng bảo vệ biên giới hai nước, kết nghĩa cụm dân hai bên biên giới cũng được đẩy mạnh thực hiện. Hai bên đã tích cực tổ chức các chương trình giao lưu, kết nghĩa, tiêu biểu như các chương trình: Giao lưu hữu nghị biên giới giữa BĐBP Tây Ninh với Tiểu khu Quân sự, Ty Công an tỉnh Svay Riêng, Campuchia; “Biên cương thắm tình hữu nghị” lần 2 và 3 tổ chức tại Hà Nội; Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia cấp Bộ Tư lệnh BĐBP tại tỉnh An Giang (tháng 8/2019). Các chương trình giao lưu đã tạo sức ảnh hưởng sâu rộng, góp phần củng cố, vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống giữa chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân hai bên biên giới.

Cục Quân y, Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng Bệnh viện Preah ket mealea, Quân đội Hoàng gia Campuchia tổ chức khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho Nhân dân đang sinh sống tại vùng biên giới huyện Lộc Ninh (Bình Phước).
Cục Quân y, Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng Bệnh viện Preah ket mealea, Quân đội Hoàng gia Campuchia tổ chức khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho Nhân dân đang sinh sống tại vùng biên giới huyện Lộc Ninh (Bình Phước).

Hay như ở Bình Phước và 2 tỉnh giáp biên của Vương quốc Campuchia là Kratie và Mondulkiri cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ kết nghĩa cụm dân cư biên giới là cụm dân cư ấp 8B, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh kết nghĩa với phum Ta Peng Sre, xã Pi Tha Nu, huyện Snuol, tỉnh Kratie; cụm dân cư ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh với phum Miên Chay, xã Sole Cha, huyện Snuol, tỉnh Kratie và cụm dân cư ấp Bù Tam, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp với phum Ô Am, xã Srây KhTum, huyện Keosima, tỉnh Mondulkiri. Việc kết nghĩa cụm dân cư đã vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai nước để người dân hai bên biên giới chung tay bảo vệ cột mốc biên giới, hỗ trợ nhau làm ăn.

Tiếp nối truyền thống quan hệ tốt đẹp,  tương trợ giúp dỡ lẫn nhau, sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa chính quyền địa phương hai nước trong quản lý, bảo vệ biên giới đã đem lại hiệu quả thiết thực, duy trì ổn định, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới. Từ đó, góp phần vun đắp, gìn giữ, phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước Việt Nam - Campuchia trong tình hình mới.


Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.