Hơn 30 năm làm báo, nhờ làm công tác biên tập chương trình phát thanh - truyền hình tiếng dân tộc và cộng tác viên Bản tin VTV5 - Đài Truyền hình Việt Nam, cộng tác viên Báo Dân tộc và Phát triển, nên tôi có điều kiện đi nhiều nơi trong nước. Đi đến đâu, tôi cũng cố gắng trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp về chuyện làm Chương trình phát thanh truyền hình tiếng DTTS. Đây là một Chương trình đặc thù, mỗi đài có mỗi cách làm riêng, không ai giống ai, nhưng các bạn đồng nghiệp và tôi luôn có chung suy nghĩ: Viết cái gì? Viết như thế nào để đồng bào tiếp nhận đón xem?
Và chúng tôi cũng thống nhất với nhau khi viết một đề tài, cần phải xác định viết cho phát thanh hay truyền hình. Nếu viết cho phát thanh thì chú ý văn phong diễn tả âm thanh tiếng nói, tiếng động là chủ yếu. Còn làm cho truyền hình thì ngôn ngữ chính là hình ảnh và tiếng động. Người làm chương trình truyền hình phải biết các kiểu cảnh: Cận, trung, toàn và đặc tả…
Riêng đối với Báo Dân tộc và Phát triển, tôi luôn là người bạn làm nhiệm vụ kết nối thông tin giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các DTTS thông qua viết tin, bài cho Báo.
Tôi nhận thấy vài năm gần đây, Báo Dân tộc và Phát triển đã phát triển đúng với tên gọi của bản báo. Ngoài các chuyên đề, chuyên mục, Báo còn có nhiều phóng sự dài kỳ, được bạn đọc quan tâm, theo dõi. Đặc biệt, Báo Dân tộc và Phát triển Điện tử đã được nhiều bạn đọc theo dõi, cập nhật tin tức. Báo được đánh giá cao về nội dung cũng như hình thức, thông tin nhanh nhạy, kịp thời, phong phú, đa dạng vùng miền, dân tộc.
Tuy nhiên, bà con cũng mong muốn Tòa soạn báo đầu tư hơn cho mục Điểm báo trên Báo Dân tộc và Phát triển Điện tử để nội dung ngày càng phong phú, hấp dẫn độc giả. Bạn đọc cũng mong Tòa soạn mở thêm nhiều lớp tập huấn tại các vùng miền để hướng dẫn về cách tổng hợp bản tin, lên hình, sản xuất video ngắn, ky chữ phụ đề cho các biên tập viên, phóng viên làm chương trình này.
Đối với mục Sắc màu 54 và Media-video, đầu tư để có thể sản xuất nhiều chương trình hay, độc, lạ, phong phú, hấp dẫn. Báo cũng nên nghiên cứu cơ chế ký hợp đồng với các địa phương, đơn vị hoặc các nhà báo lâu năm để làm các phóng sự có chất lượng đưa lên Báo Điện tử dày hơn.
Bên cạnh đó, thiết nghĩ Đảng, Nhà nước cần đầu tư kinh phí thu hút nhiều con em đồng bào DTTS theo học nghề báo. Bởi các em là những người làm nên nhiều tác phẩm báo chí hay và chất lượng.
Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Báo Dân tộc và Phát triển phát hành số báo đầu tiên (27/10/2002 - 27/10/2022), tôi kính chúc tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động tại Báo Dân tộc và Phát triển sức khỏe, hạnh phúc, bút lực dồi dào, luôn tâm huyết với nghề. Chúc Báo Dân tộc và Phát triển ngày càng phát triển lớn mạnh!