Kể lại lý lịch của bản thân, già làng Bùi Văn Cầm cho hay, năm 1947, ông tham gia Mặt trận Việt Minh, làm liên lạc tại Tiểu đoàn 18, hoạt động tại Khe Dong qua Khe Mít và vùng Trung Mang (đều là những địa danh giáp với huyện Đông Giang bây giờ). Năm 1954, ông nằm trong danh sách 300 người được tập kết ra Bắc, nhưng ông xin ở lại, tiếp tục hoạt động cách mạng bí mật... Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, ông về công tác tại xã Hòa Lạc. Đến năm 1981, xã Hòa Lạc tách ra thành 2 xã Hòa Liên và Hòa Bắc, ông được điều động về làm Trưởng Công an xã Hòa Bắc.
Sau khi về hưu, ông được bà con Cơ-tu tín nhiệm bầu chọn làm già làng-Người có uy tín của thôn Giàn Bí. Đảm nhiệm vai trò làm cầu nối tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, già Cầm đã vận động bà con trong thôn tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, loại bỏ hủ tục về ma chay, cưới xin tốn kém; tham gia phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”… Hiện nay, trong thôn Giàn Bí không còn cảnh đàn ông rượu chè bê tha, người dân chủ động tích cực lao động, không trông chờ ỷ lại cấp trên như nhiều năm về trước. Bằng uy tín và sự gương mẫu của bản thân, già Cầm đã tham gia hoà giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong bà con, giữ vững tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Già Cầm bộc bạch, đi qua hai cuộc kháng chiến gian khổ, người Cơ-Tu luôn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Tuy nhiên, do hoàn cảnh, điều kiện, trình độ của bà con có hạn nên mình phải vận động, tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu. Mình thường xuyên đọc báo, nghe đài, xem ti vi để tiếp thu thêm các kiến thức về pháp luật, thì khi giải thích cho bà con mới thấu tình đạt lý.
Đặc biệt, già làng Bùi Văn Cầm rất am hiểu phong tục, tập quán, giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ-tu. Để góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, già Cầm đã đến từng nhà dân, dùng điệu hát lý truyền thống của người Cơ-tu để tuyên truyền, vận động bà con gìn giữ hồn cốt của cha ông. Nhờ tiếng nói của già Cầm mà phong trào văn hóa, văn nghệ của vùng quê Hòa Bắc luôn đứng trong tốp đầu của huyện Hòa Vang.
Năm 2016, UBND huyện Hòa Vang triển khai phục dựng Lễ hội "Ăn thề kết nghĩa" cho cộng đồng người Cơ-tu ở 3 thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và Phú Túc (xã Hòa Phú) sau nhiều năm bị thất truyền. Là cố vấn cho chương trình phục dựng lễ hội, già Bùi Văn Cầm phấn khởi bộc bạch: "Lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa các làng là một nét văn hóa đặc sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết trong cuộc sống, sinh hoạt của người dân ở miền núi. Việc kết nghĩa hoàn toàn tự nguyện, mang ý nghĩa tốt đẹp, nhằm mong muốn cho mọi người sống chan hòa, thân thiết, gắn bó nhau như anh em một nhà, cùng chia sẻ giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn, để xây dựng bản làng ngày càng ấm no, hạnh phúc"...
Hiện nay, già làng Bùi Văn Cầm đang đảm nhiệm Chi hội trưởng Chi hội Người Cao tuổi thôn Giàn Bí, già luôn nhiệt huyết trong các phong trào của chi hội, vận động các hội viên tham gia sinh hoạt đầy đủ, quan tâm giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn. Nhiều năm liền, già được Đảng bộ, UBND xã Hòa Bắc tặng Giấy khen. Già Cầm còn vinh dự được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trao tặng.
TIÊN SA