Vâng, cho đến lúc này chưa ai kết luận rằng, sạt lở núi vùi lấp Trạm kiểm lâm 67, làm 13 cán bộ, chiến sỹ hy sinh là do xây dựng công trình thuỷ điện, nhưng nếu như không có vụ sạt lở thuỷ điện Rào Trăng 3, hẳn các anh đã không phải nằm lại nơi thâm sơn cùng cốc ấy.
Tai hoạ này đã được cảnh báo! Và nó có thể đã không xảy ra, nếu những cảnh báo ấy được những người có trách nhiệm nghiêm túc lắng nghe.
Trả lời phỏng vấn Báo Giao Thông, tiến sỹ Trịnh Xuân Hoà - Phó Viện Trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản cho biết, năm 2019, cơ quan này đã tiến hành điều tra và cảnh báo về hiện tượng trượt lở tại thuỷ điện Rào Trăng 3. Theo đó, trên địa bản huyện Phong Điền có một hệ thống đứt gãy theo phương Tây Bắc - Đông Nam và các đứt gãy phụ.
Tiến sỹ Trịnh Xuân Hoà phân tích: “Nhóm nguyên nhân tác động kích hoạt rõ ràng nhất là do mưa và cắt xẻ taluy để làm đường giao thông và lấy mặt bằng xây dựng nhà ở, làm mất cân bằng sườn dốc, dẫn đến nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá. Theo kết quả điều tra, tất cả các điểm trượt đều xảy ra khi có mưa hoặc trước đó có mưa lớn kéo dài; thống kê có 40/42 điểm trượt xảy ra tại taluy - sườn nhân tạo”
Cũng theo tiến sỹ Hoà, thì những thông tin, dữ liệu trên đã được gửi đến các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Tuy nhiên, trước đó UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã phê duyệt xây dựng những 4 dự án thuỷ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, gồm: Alin B1, Alin B2, Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4.
Ông Đặng Vũ Trụ, vào năm 2017 đã từng lên tiếng trên tờ Người lao động: Bốn nhà máy thuỷ điện này thuộc vùng lõi và khu vực phục hồi sinh thái của khu bảo tồn. Khoảng 200 ha rừng phải chuyển đổi mục đích để thi công các dự án thuỷ điện, chưa kể một số diện tích lớn khác để thi công đường vào, đường dây tải điện.
Nguy cơ đã được cảnh báo. Và những lời cảnh báo không chỉ đến từ cơ quan khoa học, mà ngay cả các cán bộ ở địa phương cũng đã lên tiếng.
Với diện tích 41.500 ha của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, có “ôm” nổi 4 nhà máy thuỷ điện? Hơn 200 ha rừng bị xoá số để làm thuỷ điện, liệu thiên nhiên có chịu để yên cho con người?
Và, những cảnh báo về nguy cơ xẩy ra mất an toàn do xây dựng thuỷ điện ở khu vực này liệu có ai quan tâm? Nếu lắng nghe thì chắc tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có những động thái cứu nguy từ xa. Tạm dừng dự án để tiếp tục nghiên cứu, chẳng hạn?
Vẫn biết dòng điện ngày mai của Tổ quốc là vô cùng quan trọng, mà thuỷ điện là nguồn năng lượng có mức đầu tư tương đối rẻ. Thế nhưng, an toàn về tính mạng và tài sản của Nhân dân phải được đặt lên hàng đầu, không được phép coi rẻ.
Vẫn biết cuộc đời không có chữ “nếu”, nhưng giá như các cơ quan chức năng biết lắng nghe những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm thì đâu nên nỗi!