Machu Picchu nằm ở độ cao 2.430 m so với mực nước biển, trên thung lũng Urubamba (Pêru). Từ khi nhà thám hiểm Hiram Bingham tìm ra nơi này vào năm 1911, nhiều nghiên cứu cho thấy địa điểm và hướng của các công trình trọng yếu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ vị trí của những ngọn núi thiêng gần đó.
Hầu hết các nhà khảo cổ học đều cho rằng Machu Picchu được xây dựng như một dinh thự cho Hoàng đế Inca Pachacuti (1438-1472). Theo những nghiên cứu khảo cổ cho thấy Machu Picchu do Vua Pachacuti xây dựng, bắt đầu từ khoảng năm 1440. Đó không phải là một thành phố thông thường, mà là nơi nghỉ dưỡng của giới chức cầm quyền và quý tộc Inca từ thủ đô triều chính Cusco đến đây hưởng thụ. Ước tính không quá 750 người sống tại đây cùng một thời điểm.
Năm 1532, người Tây Ban Nha bắt đầu xâm chiếm, đế chế Inca sụp đổ khiến Machu Picchu bị bỏ hoang. Sau đó, thế giới biết đến di sản này nhờ công của ông Hiram Bingham, một nhà thám hiểm - khảo cổ Hoa Kỳ. Ngày 24/7/1911, nhà thám hiểm này đã đến được Machu Picchu nhờ những người Quechua địa phương dẫn đường, ông đặt tên nơi này là “Thành phố đã mất của người Inca”.
Thành phố Machu Picchu có 140 công trình khác nhau, đủ các loại công trình từ đền thờ, lâu đài, lăng mộ, quảng trường, đường sá, ngõ hẻm, nhà tắm và khoảng 200 nhà ở bao gồm nhà dân, trại lính, nhà kho, xưởng thủ công, nhà dành cho hoàng gia, giới quý tộc của đế chế Inca, phần lớn xây trên các đỉnh núi.
Trên triền núi giữa các khu nhà có những vách đá khối ốp quanh các ô đất để tạo thành ruộng bậc thang đẹp ngỡ ngàng. Thành phố có hai đường dẫn nước đổ vào khu nhà ở theo ưu tiên thứ bậc tầng lớp quý tộc và các khu vực nông nghiệp rộng lớn. Công trình trong thành phố là những kiến trúc nghệ thuật phát triển cao của nền văn minh Inca, xây bằng đá khối kết hợp tài tình với núi đá trập trùng. Bên cạnh các công trình đá khô khan là những mặt bằng xanh mướt màu hoa cỏ của các hộp vuông khổng lồ có cạnh viền đá.
Điều thú vị là tất cả các công trình ở Machu Picchu đều được hoàn thành với những bức tường đá không dùng vữa. Cách xây dựng này giống với người Ai Cập cổ đại làm với kim tự tháp.
Theo các chuyên gia, người dân Inca là những bậc thầy trong việc xây dựng các bức tường đá không cần dùng đến vữa. Kỹ thuật xây dựng này được người Inca gọi là đá khối. Họ khai thác những khối đá lớn rồi vận chuyển đến nơi xây dựng. Tiếp theo, người Inca cắt, mài nhẵn bóng các khối đá để có thể ghép được vào nhau thật chặt mà không dùng tới vữa hay bất cứ chất kết dính nào. Những khối đá được xếp hoàn hảo vào với nhau tới mức một tờ giấy hay lưỡi dao mỏng không thể lọt qua khe hở giữa các phiến đá.
Chính việc không dùng vữa này khiến cho thành phố có khả năng chống lại động đất. Khi có động đất, những viên đá trong tòa nhà của người Inca sẽ “nhảy múa”, rung chuyển theo xung động và sau đó trở về vị trí cũ. Nếu không xây theo phương pháp này, nhiều tòa nhà ở Machu Picchu đã sụp đổ, do vùng này của Peru có không ít trận động đất từng diễn ra.
Trong khi những bức tường tuyệt đẹp ở thành cổ gây ấn tượng với du khách, sự kỳ vĩ trong kiến trúc của nền văn minh Inca lại nằm ở nơi ít người. Khu vực khách tham quan thường lui tới ngày nay được người Inca kiến tạo bằng cách san bằng vùng đất nằm giữa hai đỉnh núi. Kiến trúc sư Kenneth Wright ước tính, 60% việc thi công ở Machu Picchu được thực hiện dưới lòng đất. Đó là những nền móng sâu và phần đá vụn được dùng để thoát nước (vào mùa mưa, nơi này có lượng mưa lớn).
Từ năm 1983, địa điểm này đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới và được cộng đồng quốc tế bình chọn là một trong 7 kỳ quan thế giới vào năm 2007. Đến Machu Picchu, du khách được tận hưởng cảm giác hùng vĩ của vách đá thẳng đứng có độ cao 600m, hít thở không khí trong lành nguyên thủy nhất của tự nhiên. Nơi đây, ngoài các đoàn khách du lịch thì rất ít người dân lui tới, chỉ có những cánh chim ngày đêm chao lượn dưới bầu trời xanh ngắt vời vợi.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, "Thành phố đã mất của người Inca" đón khoảng 3.000 - 5.000 lượt khách tham quan mỗi ngày. Cuối năm 2020, sau gần 8 tháng đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, Peru đã tái mở cửa Thánh địa Machu Picchu qua một chương trình nghệ thuật hoành tráng. Địa điểm khảo cổ này chào đón công chúng bằng một màn trình diễn ánh sáng lộng lẫy và lễ tri ân có sự góp mặt của du khách. Nhóm khách du lịch tại buổi lễ này là những người đầu tiên được đặt chân vào khu bảo tồn nền văn hóa Inca này sau 8 tháng địa điểm phải đóng cửa vì Covid-19.