Trong chiến lược phát triển kinh tế tại các xã vùng gò đồi, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) xác định phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại gắn với thế mạnh trồng cây lâu năm. Trong đó đặc biệt chú trọng các loại cây công nghiệp dài ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao như hồ tiêu, cao su. Với tiềm năng sẵn có về đất đai, biết quy hoạch và tổ chức sản xuất phù hợp, nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú vườn đồi.
Ông Nguyễn Khắc Cận, thôn Thủy Ba Hạ, xã Vĩnh Thủy cho biết: Hơn 10 năm trước, nhận thấy đất đồi núi trọc bị bỏ hoang hóa quá nhiều mà người dân không khai phá. Ông chủ động đến gặp chính quyền xin thầu lại một phần diện tích này để trồng cây làm trang trại kết hợp chăn nuôi. Ông Cận quan niệm rằng, có đất là có tất cả. Gia đình ông đã không quản ngại khó khăn để khai hoang vỡ đất, lấy ngắn nuôi dài với nhiều loại cây, con. Và rồi quyết tâm “biến sỏi đá thành cơm” trên đất quê hương đã được vợ chồng ông thực hiện thành công với mô hình kinh tế trang trại vườn đồi. Ông Cận chia sẻ: “Ngày trước lên đây khó khăn lắm nhưng vợ chồng tôi luôn động viên nhau khắc phục để xây dựng cơ ngơi. Tôi xác định dù khó khăn mấy cũng phải làm và gia đình tôi đã thành công”.
Bằng sự nỗ lực, vượt khó để làm giàu, ông Cận không ngừng khai hoang đất đồi, mở mang trang trại và quy hoạch sản xuất hợp lý. Hiện với trang trại rộng 35ha, gần 5ha rừng tràm, 15ha cao su đang trong thời kỳ khai thác, 5ha còn lại được ông quy hoạch để trồng cây ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Mỗi năm ông thu nhập từ trang trại này khoảng 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 11 lao động với mức lương 4-5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Cận còn giúp đỡ nhiều gia đình mới lên vùng đồi này lập nghiệp. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ nhiều hoạt động từ thiện, ủng hộ người nghèo trên địa bàn, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Ông Cận cho rằng, mình được hưởng lộc từ đất thì phải biết chia sẻ với mọi người kinh nghiệm làm ăn, để ngày càng có nhiều người vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng. Theo ông, để làm giàu trên đất vườn đồi quan trọng là sự nỗ lực, chịu khó và biết được cách thức bố trí trồng trọt, chăn nuôi phù hợp thì mới cho hiệu quả thu nhập cao.
Cũng phát triển kinh tế vườn đồi như ông Cận, ông Nguyễn Văn Dương, thôn Tân Thủy cho biết: Gia đình ông có 4ha cao su đang vào kỳ khai thác, với sản lượng hơn 20 tấn mủ nước/năm, cho thu nhập mỗi năm 350 triệu đồng. Ngoài ra, tận dụng bóng mát của tán cao su ông nuôi thêm 2.000 con gà cùng một số loại khác như ong lấy mật, chim bồ câu…, mỗi năm cũng đem lại thu nhập hơn 30 triệu đồng. Theo ông Dương thì, hiện nay nhiều hộ trong thôn phát triển kinh tế theo mô hình vườn đồi như gia đình ông đều cho hiệu quả kinh tế, nhiều hộ đã thoát ghèo vươn lên làm giàu và có nhiều đóng góp cho địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết: Trong phát triển nông nghiệp, huyện ưu tiên vấn đề chuyển đổi cây trồng phù hợp để ứng phó với biến đổi khí hậu. Cũng theo ông Hùng thì giải pháp phù hợp nhất của các địa phương đó là chuyển đổi mô hình sản xuất sang hướng phát triển kinh tế vườn đồi. Thực tế hiệu quả của mô hình này ở xã Vĩnh Thủy là điển hình để nhân rộng trên địa bàn huyện. Thời gian tới, huyện sẽ có các chính sách hỗ trợ cho những gia đình tham gia phát triển kinh tế vườn đồi như hỗ trợ vay vốn ưu đãi về lãi suất cũng như các loại con, cây giống và kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi.
MINH THỨ