Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Về thôn chỉ còn một hộ nghèo

PV - 14:55, 11/12/2018

“Xoá trắng” các hộ nghèo, hay cận nghèo tại khu dân cư ở địa bàn trung tâm huyện, hay thành phố lớn đã khó thì đối với các thôn, buôn ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn thì lại càng khó hơn, và gần như là điều không tưởng. Tuy nhiên, điều này đang dần trở thành hiện thực tại thôn Đoàn Kết, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, (tỉnh ĐăkLăk).

Anh Thượng Đình Hiển (bên phải) đang trao đổi về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu với người dân trong thôn. Anh Thượng Đình Hiển (bên phải) đang trao đổi về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu với người dân trong thôn.

Thôn Đoàn Kết có 75 hộ, người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, người dân trong thôn đã mạnh dạn đầu tư phát triển trồng cây công nghiệp, trong đó chú trọng phát triển các loại cây trồng vốn là thế mạnh trên địa bàn như: cà phê, cao su, điều, hồ tiêu và các loại cây ăn quả, coi đây là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Trong tổng số 200ha đất nông nghiệp của địa phương hiện có 15ha trồng cao su, 135ha trồng cà phê, điều, 50ha hồ tiêu, cây ăn quả, (phần lớn diện tích này được trồng xen canh trong vườn cà phê)… Nhờ chính quyền tích cực hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên các loại cây trồng đều cho năng suất và sản lượng cao. Trong đó, năng suất cây điều bình quân 1,5 tấn/ha, hồ tiêu đạt 3-3,5 tấn/ha, cao su 2 tấn/ha, cà phê đạt bình quân 3-3,5 tấn/ha… Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Anh Thượng Đình Hiển, một người dân trong thôn cho biết, dù gia đình anh chỉ có 7 sào đất canh tác nhưng nhờ biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, cũng như đa dạng cây trồng trên một đơn vị diện tích nên vẫn có thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trước đây trên diện tích này, anh chủ yếu trồng cây cà phê. Tuy nhiên, do nguồn giống không đảm bảo, năng suất đạt rất thấp, nên hiệu quả đem lại không cao, cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy trồng hồ tiêu cho hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2010 anh Hiển đã đưa loại cây này vào trồng, đồng thời đưa cây sầu riêng vào trồng xen canh.

Nhờ chọn được giống phù hợp, chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật nên vườn cây của gia đình phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh và cho năng suất cao. Hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình anh thu được 4 tấn tiêu, 3 tấn sầu riêng, trừ chi phí thu lãi được hơn 300 triệu đồng. Làm ăn hiệu quả, anh Hiển đã mua thêm đất mở rộng quy mô sản xuất, đến nay gia đình anh đã có 1,2ha trồng 1.000 trụ tiêu, 135 cây sầu riêng. Thu nhập của gia đình anh sẽ còn cao hơn trong thời gian tới khi những trụ tiêu, sầu riêng còn lại đồng loạt cho thu hoạch…

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2018 của xã EaKuêh, tính đến nay thôn Đoàn Kết chỉ còn 1 hộ thuộc diện nghèo, chiếm tỷ lệ 1,3% tổng số hộ trong thôn và 0,5% tổng số hộ nghèo của xã (200 hộ), và là địa phương có số hộ nghèo thấp nhất trên địa bàn. Đặc biệt, thôn cũng là khu dân cư duy nhất của xã “xoá trắng” được hộ cận nghèo. Đây thực sự là con số ấn tượng mà không phải thôn, buôn nào cũng có thể đạt được, nhất là địa bàn còn nhiều khó khăn như xã EaKuêh.

Ông Vũ Văn Cường, trưởng thôn tự hào: Đời sống được nâng lên, những ngôi nhà mới khang trang được dựng lên ngày càng nhiều. Từ năm 2011 đến nay, nhân dân trong thôn đã đóng góp hơn 2 tỷ đồng xây dựng hội trường thôn, kéo được 3km đường điện chiếu sáng, nâng cấp và làm mới được 5km đường giao thông nông thôn, trong đó có 1 km đường bê tông, trị giá gần 970 triệu đồng, nhân dân đóng góp hơn 445,4 triệu đồng… đặc biệt, số hộ có kinh tế khá, giàu của thôn chiếm khoảng 60%...

TRUNG DŨNG