Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Về thăm đất Mũi Cà Mau

PV - 16:26, 11/07/2018

Khi vươn cánh tay chạm vào cột mốc số 0 ở đất Mũi Cà Mau, nhiều người không nghĩ rằng, bàn chân cả đời lên nương lên rẫy của Tây Nguyên, của Tây Bắc đã chạm được tới điểm cực Nam của Tổ quốc. Trong đôi mắt ngắm nhìn vùng trời thiêng liêng, không ít người xúc động rưng rưng.

“Nơi cuối cùng bản đồ Việt Nam”

Nấn ná mãi bên tượng đài “Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau”, ông Nguyễn Văn Hưng (huyện Chư Pah, Gia Lai) quên mất cái nắng bình minh buổi sáng đang chuyển sang gay gắt của ban trưa từ lúc nào. Ông vui vẻ kể, từ lúc xuống bến thuyền…, cả tiếng ngồi trên tàu ra đất Mũi, ông chỉ nghe đi nghe lại bài “Áo mới Cà Mau”. Rồi rất tự nhiên ngân nga “Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam. Ngại chi đường xa không tới, về để nói với nhau mấy lời…”.

cà mau Tượng đài hình cánh buồm là biểu tượng của đất Mũi Cà Mau.

Không riêng gì ông Hưng, có lẽ cả đoàn người mặc áo cờ đỏ sao vàng, đang xếp hàng ngay ngắn hướng mắt lên cột buồm đều cảm thấy xúc động, bởi ước muốn một lần trong đời được đặt chân đến vùng cực Nam của Tổ quốc đã trở thành hiện thực. Điểm du lịch đất Mũi Cà Mau trở thành điểm đến yêu thích của du khách, một phần bởi mang trong mình những đặc trưng của đất phương Nam, vừa gắn với vị trí quan trọng trong trái tim mỗi người con đất Việt.

Những năm trở lại đây, con đường Hồ Chí Minh nối dài hai miền Nam-Bắc đã kéo dài tới tận điểm tận cùng của dải đất hình chữ S. Con đường thẳng tắp chạy giữa những tán rừng U Minh Hạ, để du khách tận hưởng bầu không khí trong lành cũng là một trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, đường thủy vẫn là phương tiện giao thông phổ biến ở nơi này.

Trước đây, đường từ thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) về xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) chỉ duy nhất đường thủy, tàu ghe chạy không ngừng nghỉ. Rong ruổi ca nô từ sông Cửa Lớn, sông Ông Trang rồi theo những dòng kênh rạch chằng chịt khoảng một tiếng đồng hồ sẽ tới điểm cực Nam của Tổ quốc. Đứng trước mũi thuyền rẽ sóng hướng về đất Mũi, hai bên kênh rạch là những ngôi nhà xen kẽ với những cây đước, cây bần bám sâu vào lòng đất, khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn, hiểu thêm về thiên nhiên và con người nơi đây.

Biểu tượng của điểm cực Nam là cột mốc tọa độ GPS0001 và tượng đài hình con tàu đang căng buồm vươn khơi. Ai tới đây cũng muốn giữ cho mình một tấm ảnh kỷ niệm khi được chạm tay tới cột mốc tọa độ quốc gia GPS0001 hay dang tay cùng cánh buồm đang đón gió, đợi mặt trời.

Điều đặc biệt, dải đất nhô ra biển theo hình mũi thuyền mang tên Đất Mũi là nơi có thể ngắm mặt trời mọc ở biển Đông vào buổi sáng và cũng nhìn thấy mặt trời lặn ở biển Tây. “Buổi sáng từ đất Mũi ngắm bình minh có thể thấy mặt trời ngay gần trước mặt, chiều về thấy màu đỏ của hoàng hôn nhuộm nguyên cả vùng biển một màu đỏ rực rỡ”, Lê Pecnin- một hướng dẫn viên địa phương giới thiệu đầy tự vào về mảnh đất “có một không hai” này như vậy.

Vị trí đẹp nhất để nhìn khung cảnh này là bờ kè chắn sóng trải dài uốn lượn, bao bọc khu rừng đước và phần đất phía trong Đất Mũi. Để có thể phóng tầm mắt ra những đảo Hòn Khoai, Hòn Tượng, Hòn Sao, Hòn Khô, Hòn Lớn, Hòn Đồi Mồi hoang sơ và kỳ bí phía xa thì phải chịu khó lên vọng hải đài, cao hơn 20m để có thể nhìn được bao quát khung cảnh nơi đây.

Thưởng thức đặc sản đậm chất Nam bộ

Ở Cà Mau, hè sang cũng là báo hiệu mùa mưa tới. Nắng mưa thất thường, không triền miên hẳn như xứ Huế, cũng không mang theo hơi lạnh như miền Bắc mà “việc nào ra việc ấy”. Dứt cơn mưa là nắng bỏng rát ngay sau đó. Mới thấp thoáng nhìn thấy cơn mưa mà không kịp tấp vào một nhà dân ở hai bên bờ kênh là có thể hứng trọn cái ào ạt, xối xả của cơn mưa. Có lẽ bởi thế nên du khách sẽ thấy thật hạnh phúc khi những ngôi nhà bám dọc bờ kênh đều không có rào rậu, cổng che chắn. Họ lo lắng cho khách ở xa như lo cho người thân của mình, sẵn sàng chìa tay ra kéo ghe buộc vào cột, dắt tay vào trú mưa và không quên mời những đặc sản miền sông nước Nam bộ cho du khách.

Cua biển, tôm tít, tôm khô, ba khía, cá kèo, cá thòi lòi, mật ong rừng…, những sản phẩm đặc trưng của vùng rừng ngập mặn đều rất phổ biến ở Cà Mau. Nhiều món ăn ở mảnh đất này còn có hương vị đặc trưng hơn những vùng khác. Như thịt cua, tôm Cà Mau nổi tiếng xa gần bởi vị ngọt bùi, thịt thơm và chắc nịch theo từng thớ thịt bởi sinh sống ở vùng đất bãi bồi ven biển, phù sa giàu khoáng chất và nguồn thức ăn phong phú.

Một phần không thể thú vị hơn khi đến đất Mũi chính là thưởng thức những bữa ăn đậm chất Nam bộ trong rừng U Minh Hạ, dưới những mái nhà lợp lá dừa nước, chung quanh gió mát rười rượi. Những món ăn dân dã mà không kém phần hấp dẫn như cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng, lẩu mắm ăn với rau choại, đọt xoài, rau đắng đất, rau tàu bay, gỏi nhộng ong… thơm nhức mũi. Những món ăn có thêm những sản vật được nuôi trồng ngay tại đất Mũi như ốc len, bồn bồn, sò huyết tươi ngon càng làm du khách mê mẩn chẳng muốn về.

HƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.