Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Về nơi phôi thai chữ Quốc ngữ

PV - 14:08, 07/05/2018

Với những tài liệu lịch sử và di tích để lại, vùng đất Nước Mặn thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước (Bình Định) là nơi được nhiều nhà nghiên cứu công nhận có ảnh hưởng quan trọng, chủ đạo trong giai đoạn phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XVII.

Bên cạnh đó, tiểu chủng viện Làng Sông, thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, Tuy Phước cũng được xem là xưởng in chữ Quốc ngữ đầu tiên.

Dấu xưa xuất lộ rõ ràng

Nước Mặn, là tên gọi của một phố cảng sông nằm bên đầm Thị Nại của phủ Quy Nhơn vào thế kỷ XVII-XVIII. Đây cũng chính là nơi đóng bản doanh của giáo đoàn các tu sĩ Dòng Tên ở xứ Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII. Năm 1618 linh mục dòng Tên Cristoforo Borri (người Ý) đến Đàng Trong. Sau đó phần lớn thời gian ông lưu lại tại Nước Mặn trước khi sang Macao vào năm 1622. Trong thời gian truyền giáo tại Nước Mặn, ông cùng 2 linh mục Francesco Buzomi và Francisco de Pina, viết tác phẩm “Tường trình về Khu Truyền giáo Đàng Trong” bằng tiếng Ý, là tài liệu in đầu tiên có một số chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai.

Tiểu chủng viện Làng Sông, được xem là nhà in chữ Quốc ngữ đầu tiên. Tiểu chủng viện Làng Sông, được xem là nhà in chữ Quốc ngữ đầu tiên.

 

Ông Phạm Đức Tín, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ, Ban Quản lý di tích tỉnh Bình Định, cho biết: “Việc xác định vị trí cư sở truyền giáo của các thừa sai tại Nước Mặn hiện nay căn cứ vào những cứ liệu lịch sử, vết tích nền móng, cũng như lời người xưa kể lại. Theo cụ Võ Lãng, một giáo dân ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, thì từ bé ông được ông nội chỉ cho khuôn viên nhà thờ Nước Mặn ngày xưa là ở vườn nhà cụ Võ Vĩ, hiện đã được giao cho người cháu là ông Võ Cự Anh. Khi đào đất trong vườn, gia đình ông Võ Cự Anh đã phát hiện nền móng một công trình kiến trúc bằng đá ong với khối lượng khá nhiều. Đây được xác định là vị trí cư sở truyền giáo Nước Mặn xây dựng năm 1618, là trung tâm truyền giáo và là nơi các thừa sai Dòng Tên nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ...”.

Không chỉ là nơi khởi đầu mà còn cụ thể hóa và phát triển chữ Quốc ngữ bằng việc xây dựng nhà in Làng Sông (tiểu chủng viện Làng Sông) của giáo phận Đông Đàng Trong. Thời gian này, nhà in Làng Sông đã in một số tác phẩm như: “Chuyện đời xưa” của Trương Vĩnh Ký, sách Latin, tiếng Pháp, sách Quốc ngữ đa dạng về thể loại. Ấn phẩm của nhà in Làng Sông được thống kê trong bản tin hàng tháng của địa phận và tổng kết vào trang cuối năm bằng tiếng Pháp xen Quốc ngữ.

Cần được nâng tầm

Năm 2011, sau khi đã thỏa thuận với gia đình ông Võ Cự Anh và hoàn tất các thủ tục pháp lý, Tòa Giám mục Quy Nhơn đã cho khởi công xây dựng công trình biểu tượng, ghi nhận nơi đã từng là một cư sở truyền giáo đầu tiên ở Đàng Trong, cũng như là nơi phát tích, khởi nguyên để hình thành chữ Quốc ngữ trong tiến trình phát triển chữ Quốc ngữ Việt Nam.

Đến năm 2017, Ban Quản lý di tích tỉnh Bình Định đã tiến hành biên soạn hồ sơ khoa học đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích “Nước Mặn-nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ”. Việc lập hồ sơ được tiến hành công phu trong thời gian dài, tìm hiểu nhiều nguồn tư liệu. Bởi trải qua thời gian, các cơ sở vật chất của trung tâm truyền giáo Nước Mặn hiện không còn. Sau nhiều nỗ lực của các cấp ngành, đầu tháng 11/2017, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định xếp hạng di tích lịch sử: “Nước Mặn-nơi phôi thai chữ Quốc ngữ”.

Trong Kế hoạch năm 2018, Ban Quản lý di tích tỉnh sẽ xây dựng bia di tích và bảng hướng dẫn đường vào di tích. Ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bình Định, đề xuất. “Về lâu dài, tại khu vực di tích nên xây dựng thêm nhà trưng bày bổ sung, giới thiệu những hình ảnh, tư liệu có liên quan đến di tích. Qua đó, khách tham quan có thể tìm hiểu về truyền thống văn hóa-lịch sử của vùng đất Nước Mặn-Tuy Phước nói riêng và Bình Định nói chung, tạo cơ sở để có những đóng góp quan trọng đối với chữ Quốc ngữ...”.

Việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, đồng thời là bước khởi đầu quan trọng để bảo tồn và phát huy tốt hơn nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, thực tế địa điểm này còn xa lạ đối với nhiều người khi được nhắc đến, ngay cả đối với người dân địa phương.

Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: “Nước Mặn-Bình Định giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu phôi thai nảy nở chữ Quốc ngữ. So với những nơi khác, Nước Mặn vẫn còn di tích cần được quan tâm gìn giữ, nghiên cứu thêm và phát huy được những giá trị...”.

ĐẠT THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục