Về miền hoa cảm nhận sắc màu văn hóa
Lẽ tự nhiên hoa ban đã đi vào đời sống văn hóa tinh thần của nhiều dân tộc Điện Biên, trong đó tiêu biểu là dân tộc Thái. Đồng bào Thái yêu mến vẻ đẹp, trân trọng sức sống bền bỉ của hoa ban. Để từ đó, thông qua kho tàng văn học dân gian và những làn điệu dân ca, dân vũ, hình ảnh hoa ban đã đi sâu vào tiềm thức, đời sống tinh thần đồng bào dân tộc.
Mỗi độ xuân về, những rừng ban lại bung cánh bừng nở trắng muốt trên những vạt núi, sườn đồi, tạo thành những đường chỉ thêu đẹp đẽ trang điểm cho núi rừng Tây Bắc. Không chỉ chứa đựng vẻ đẹp tinh khôi, cây ban còn mang trong mình sức sống mãnh liệt, dù trên đất khô cằn hay bám vào vách đá cheo leo, cứ qua mùa đông giá rét cây ban lại trỗi dậy đâm chồi nảy lộc, bung hoa rực rỡ.
Theo chia sẻ của bà Lường Thị Đại, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian dân tộc Thái: Trong ngôn ngữ dân tộc Thái, ban có nghĩa là ngọt. Bởi vậy tên ban không chỉ được gọi theo mùi vị mà đó còn gợi nhớ về câu chuyện tình thủy chung son sắt đầy ngang trái giữa chàng trai tên Khum và người con gái tên Ban. Họ yêu nhau say đắm nhưng không đến được với nhau. Trong rừng sâu núi thẳm, họ đi tìm nhau đến kiệt sức, cuối cùng nàng Ban chết hóa thành loài cây ra hoa trắng muốt vào mùa xuân, còn chàng Khum hoá thành con chim sống lẻ loi. Cứ đến mùa xuân, khi hoa ban nở, chim lại cất tiếng gọi bạn tình da diết…
Từ đó, mỗi khi xuân về, hoa ban nở trắng núi rừng, trai gái khắp các bản Mường lại rủ nhau đi hội, ca hát, múa xoè và bày tỏ tình yêu đôi lứa. Cũng từ sự tích về tình yêu trắng trong, chung thủy đó nàng Ban đã đi vào thơ ca của dân tộc Thái như một biểu tượng muôn đời của tình yêu đôi lứa.
Trải qua bao thế hệ, câu chuyện tình đẹp đã thấm dần trong sinh hoạt văn hóa dân tộc Thái, trở thành họa tiết thêu trên khăn áo các cô gái, là “nàng thơ” tạo cảm hứng sáng tác văn chương, thi ca, nhạc họa...
Không chỉ vậy, hoa ban và cây ban còn luôn song hành trong đời sống thường ngày của người dân bản địa, là món ăn ngon, bài thuốc quý lưu truyền từ bao đời nay. Đặc biệt, trong mâm cơm đãi khách những ngày xuân không thể thiếu món nộm ban đặc trưng, tạo ấn tượng và lòng mến khách với bạn bè phương xa.
Dấu ấn từ Lễ hội Hoa Ban
Mùa hoa ban nở hàng năm cũng là dịp đồng bào dân tộc Thái mở các lễ hội như: Xên bản, xên mường, nàng Han, Kin pang then hay mới đây được tổ chức, tạo dựng thương hiệu cho mảnh đất Ðiện Biên là Lễ hội Hoa Ban.
Lễ hội Hoa Ban Điện Biên được tổ chức lần đầu vào năm 2014, gắn với đại lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Qua nhiều mùa tổ chức, đến nay Lễ hội Hoa Ban đã trở thành sự kiện thường niên, là sản phẩm, thương hiệu du lịch đặc trưng, để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng đồng bào các dân tộc và bạn bè trong nước, quốc tế khi đặt chân đến với Điện Biên.
Trong những ngày tháng 3, Điện Biên đang ngập tràn trong sắc trắng hoa ban, và cũng là thời điểm khởi đầu cho mùa du lịch trên mảnh đất đã ghi vào lịch sử. Đến Điện Biên dịp này, du khách vừa được tham quan quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, đồng thời có thêm cơ hội trải nghiệm, thưởng thức nét đẹp vùng cao, khám phá sắc màu Tây Bắc trong không gian đậm đà bản sắc dân tộc. Với chủ đề “Lung linh miền hoa Ban”, lễ hội năm nay sẽ kéo dài từ trung tuần tháng 3 đến tháng 5 với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc nhằm tôn vinh vẻ đẹp của loài hoa kiều diễm, trắng trong, tinh khôi, tượng tưng cho người con gái Thái nơi núi rừng Tây Bắc, đồng thời quảng bá hình ảnh tỉnh biên giới Điện Biên giàu tiềm năng, thế mạnh phát triển.
Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: “Công tác tổ chức cho lễ hội hoa Ban đến giờ phút này có thể nói đã đảm bảo tiến độ. Với những tín hiệu khả quan về phục hồi du lịch trong bối cảnh thích ứng linh hoạt hiện nay, Lễ hội Hoa Ban với công tác chuẩn bị chu đáo, công phu hứa hẹn sẽ mang lại dấu ấn mới cho du lịch Điện Biên sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”.