Khó cho làng nghề
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Xuân Hòa đã đạt được 13/19 tiêu chí, hiện nay còn 6 tiêu chí xã đang phấn đấu hoàn thành. Tuy nhiên, việc giải quyết tiêu chí 17 về môi trường để về đích NTM theo lộ trình thì chính quyền xã Xuân Hoà và người dân vẫn loay hoay chưa biết xử lý thế nào.
Ông Huỳnh Văn Luận, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Xuân Hòa cho biết: “Trước tình trạng ô nhiễm môi trường, mấy năm trước, tỉnh đã có kế hoạch quy hoạch tập trung các lò hầm than vào một vùng và áp dụng mô hình xử lý khói bụi. Nhưng đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai vì chưa có kinh phí và người dân không đồng ý với việc di dời về khu tập trung”.
Anh Võ Văn Hoàng ở ấp Hòa Lộc 2, xã Xuân Hoà than thuở: “Hơn 15 năm làm nghề hầm than, cuộc sống nhà cửa, vườn ruộng gắn liền với nơi thu mua nguyên liệu sản xuất. Nếu dời vào khu qui hoạch thì rất khó vì vào đó phải thuê đất xây lò, chi phí sản xuất phát sinh nhiều, còn nhà cửa, vườn tược bỏ cho ai. Còn việc xây dựng hệ thống xử lý khói bụi kinh phí quá cao, mỗi hệ thống khoảng trên 20 triệu, lại phải thêm tiền sử dụng điện vận hành hệ thống coi như ko còn lãi”.
Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch Xã Xuân Hoà, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như bảo vệ sức khỏe người dân, xã cần sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn trong việc nghiên cứu áp dụng mô hình xử lý khói bụi lò hầm than đạt hiệu quả; đồng thời cần xem xét có chính sách hỗ trợ cho hộ làm nghề hầm than vay vốn để lắp đặt mô hình xử lý một cách rộng rãi…
Chờ sự hỗ trợ của tỉnh
Trao đổi câu chuyện ô nhiễm khói bụi của làng nghề than đang “cản bước” xã Xuân Hoà về đích NTM khi khó đạt tiêu chí thứ 17, bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu đề xuất dự án xử lý khí thải của các làng nghề.
Cụ thể, năm 2012, Sở đã lập dự án xử lý khí thải các cơ sở hầm than củi tại xã Xuân Hòa và trình UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời có văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ 50% kinh phí. Tuy nhiên, theo Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015, không có làng nghề hầm than củi tại xã Xuân Hòa, do đó Trung ương không hỗ trợ kinh phí. Mặt khác, nguồn kinh phí tỉnh còn khó khăn chưa đủ cân đối để thực hiện dự án này.
“Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị khoa học tiếp tục nghiên cứu giải pháp xử lý khí thải lò hầm than với chi phí thấp. Từ đó, đề xuất các nguồn kinh phí để xử lý ô nhiễm môi trường; đồng thời sẽ phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động người dân không phát triển, mở rộng quy mô, phạm vi xây dựng lò hầm than và thực hiện lại quy hoạch làng nghề hầm than ở xã Xuân Hòa”, bà Nguyện Thuỵ Kiều Diễm cho biết thêm.
Được biết, hiện nay tỉnh Sóc Trăng cũng đang xem xét Dự án Nhà máy sản xuất than sạch phục vụ sinh hoạt và công nghiệp do Công ty TNHH Chế biến và Kinh doanh Than Yên Thịnh ở Hà Nội xin đầu tư tại huyện Kế Sách. Sau khi Nhà máy than đi vào hoạt động, chính quyền sẽ vận động bà con giảm tỷ lệ sản xuất than theo truyền thống, đề nghị nhà máy cam kết nhận lao động tại làng nghề…
Xã Xuân Hòa hiện có gần 1.000 lò hầm than, với trên 400 hộ làm nghề, mỗi hộ ít nhất có 2 lò và nhiều nhất hơn 10 lò. Đây là nghề cho thu nhập khá cao, bình quân mỗi lò hầm than sau khi trừ hết chi phí còn lãi khoảng 70 triệu đồng/năm. Các sản phẩm than được tiêu thụ rộng rãi cả trong và ngoài nước, như TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc (Kiên Giang), Đài Loan (Trung Quốc)…; Hiện làng nghề đang giải quyết trên 2.000 lao động/năm. Vào chính vụ, mỗi ngày người lao động có mức thu nhập trung bình khoảng 200.000 đồng.
NHƯ TÂM