Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Về đất ngọt Đồng Gianh

Ghi chép của Lê Na - 09:13, 07/02/2022

Những cơn gió mang theo mưa phùn, ẩm ướt lướt dọc sông Lô khiến cho cả một vùng nương vườn rộng lớn, cây cỏ chợt xanh lên, miên man từng mắt lá. Theo lời mời của một bạn thơ nông dân, tôi phóng xe máy lên Hàm Yên, ghé thăm bạn và trang trại cây ăn quả. Đấy là thôn Đồng Gianh, xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang).

Ông Đặng Duy Tiến bên vườn thanh long.
Ông Đặng Duy Tiến bên vườn thanh long.

Ở Tuyên Quang có rất nhiều thôn mang tên Đồng Gianh. Riêng ở huyện Hàm Yên đã có hai thôn, thuộc xã Thái Sơn và xã Đức Ninh. Mấy chục năm trước, cỏ gianh mọc lút người, sim mua nở hoa tím đất. Vậy mà hôm nay, nơi đất cằn sỏi đá, đã cho mùa trái ngọt.

Hơn sáu chục tuổi, bạn tôi, anh Nguyễn Chí Thiết quanh năm sống với vườn rau, đàn gà, ao cá. Cuộc sống đạm bạc với vườn-ao - chuồng nhưng tâm hồn lại phong lưu, bát ngát. Tình yêu lãng đãng luôn ngập trong thơ “ông già” miền núi. Tôi thích chất thật thà mộc mạc của thơ ông. Nhưng, tôi mê hơn cả là những sản phẩm nông nghiệp sạch mà ông và vợ con ông đã làm ra. Giờ đây, khi các con đã trưởng thành, xây dựng ra đình, đứa ở gần, đứa xa tít tắp, chỉ còn hai vợ chồng già sống bên nhau.

Vây quanh ngôi nhà xây ngất ngưởng là thanh long, bưởi, ổi và rau xanh. Bước khỏi sân là chạm hoa quả lúc lỉu. Có lần, tôi rủ bạn nghệ sĩ nhiếp ảnh lên tác nghiệp tại vườn, khi mùa thanh long nở rộ. Hơn trăm gốc thanh long vào hè cũng đỏ rực luống. Những bông hoa trắng muốt đang e ấp. Bây giờ khi mùa Đông sắp qua, thanh long trơ những cành xanh như tay múa. Vụ này, ông trồng cà chua. Một sào rưỡi đất, đã thu ngót tấn quả. Giá bán năm nay đắt, có lúc giao buôn được bốn chục ngàn một kg. Ngoài ra, còn có trên hai ngàn cây súp lơ. Rất được giá do rau được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ sạch. Trưa, ông tiếp chúng tôi bằng món gà chạy đồi, cá ao và rau nhà. Có tí rượu, lúc bốc lên lại vung thơ ra nhâm nhi… Đời người nông dân bây giờ cũng “sướng như vua chúa” ngày xưa.

Tôi đến thăm nhà ông Đặng Duy Tiến, bảy mươi tuổi, một Cựu chiến binh, cựu Bí thư, Trưởng thôn Đồng Gianh. Ông Tiến đã có mười bốn năm làm Trưởng thôn, từ 1990 đến 2004. Ông tâm sự, những ngày đầu làm việc thôn, cuộc sống của bà con còn nghèo đói. Đất thừa thãi mà thiếu nguồn nước. Sức lao động dư thừa, người dân phải đi làm thuê nơi khác. Đồi đất bỏ hoang, kinh tế bị gò bó, chẳng ai dám nghĩ việc làm trang trại. Dân bản nghèo đói quanh năm.

Qua hai chục năm, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát huy lợi thế của địa phương, lại được tỉnh đầu tư làm đường bê tông, xây dựng hệ thống dẫn nước, Đồng Gianh đã mang một diện mạo mới. Toàn thôn không còn hộ nghèo, số hộ khá và giàu chiếm hơn 70%. Hầu hết các hộ có nhà xây kiên cố, nhiều nhà mua sắm ô tô, xe máy sang trọng.

Ông Tiến quê ở Vân Nam, Phúc Thọ, Hà Nội. Bố ông lên Tuyên Quang từ thời tản cư, 1947, rồi lập nghiệp ở đây. Từ đôi bàn tay trắng, gia đình ông cùng với bà con người Tày, Dao, Cao Lan đã khai phá vùng đất này. Phía sau gương mặt màu đồng hun, là cả một nghị lực dám nghĩ, dám làm. Đôi bàn tay rắn chắc như con dao pha, bền như lưỡi cuốc.

Chín năm trước, ông cuốc đồi, trồng hơn một ha thanh long, khoan nước giếng để lấy nước tưới, lắp bóng điện sáng hằng đêm kích cho cây nở hoa. Bây giờ thanh long đã cho trái ngọt. Từ năm 2018 đến 2021, mỗi năm ông thu hoạch từ 20 đến 50 tấn quả. Vào vụ chăm sóc, thu hái quả, gia đình phải thuê cả chục người đến làm. Thanh long được giao buôn cho các khách hàng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Giá từ 20 đến 30 ngàn đồng một kg. Vào chính vụ, xe tải khắp nơi về đợi lấy hàng.

Để có nguồn phân bón, gia đình ông nuôi vịt, cao điểm tới 3.000 con, siêu thịt và siêu trứng. Vịt đẻ rộ, mỗi ngày ông thu hoạch 400 quả trứng. Bình quân mỗi tháng có từ bốn đến năm ngàn quả trứng. Giá giao trứng tại nhà là 27.000 đồng/10 quả. Nhiều trường học của xã và xã bạn đã nhập trứng vịt của gia đình ông để đưa vào bữa ăn cho học sinh. Ngoài ra, gia đình còn nuôi gần trăm con gà thả đồi và trồng sáu mươi gốc bưởi… Nói vậy, ông bảo kinh tế của gia đình còn xếp sau mấy “đại gia” trong thôn.

Vườn bưởi và ngôi nhà sàn mới xây của anh Bùi Văn Phòng.
Vườn bưởi và ngôi nhà sàn mới xây của anh Bùi Văn Phòng.

Nếu huyện Hàm Yên, Tuyên Quang là “vương quốc” cây có múi, thì ba xã vùng thấp của huyện là Thái Sơn, Thái Hòa và Đức Ninh là “thủ phủ” của bưởi, cam. Riêng thôn Đồng Gianh có tới 50ha. Trước khi đầu tư vào bưởi, cam, bà con đã lên tận Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình để mua giống và học tập kinh nghiệm. Người đứng đầu thôn phải kể đến hộ ông Nguyễn Việt Cường, 69 tuổi, giáo viên nghỉ hưu. Ông đã trồng 10ha cam và bưởi. Để kéo dài thời gian thu hái và đáp ứng lựa chọn của khách, gia đình ông trồng nhiều loại cam, bưởi. Có vườn đã thu hoạch xong, đang cắt tỉa nhánh. Nhưng có vườn ra giêng mới bán. Không chỉ trái chín, gia đình ông Cường còn chiết, ghép cây cam, bưởi giống bán cho bà con trong vùng.

Cũng trồng bưởi, nhưng ông Nông Minh Thắng, người Tày, sinh năm 1956 không đi theo một số hộ trong thôn mà kết hợp trồng rừng. Tôi phóng xe đến và thật ngợp trước vườn sưa. Ba ngàn cây sưa, một loại gỗ có giá trị kinh tế cao. Những thân cây trắng mốc sáng lên, từ chân đến lưng núi Chẽ. Giá mỗi cây đều tiền triệu đến vài chục triệu đồng. Dưới sưa là 600 gốc bưởi, đã thu xong quả. Màu xanh của cỏ lạc dại như tấm thảm phủ kín mặt đất. Một cảm giác êm dịu khi bước đi trên cỏ. Cỏ lạc dại, vừa che mát đất, vừa ngăn cỏ khác mọc.

Trở lại nhà ông Cường, mấy ông bạn già đang ngồi uống trà bàn chuyện Tết nhất. Tết này, chủ nhà tuổi Nhâm Thìn bước sang bảy mươi. Ông bảo, đôi con rồng ông đã thuê thợ từ Thái Lan sang đắp, với giá một trăm triệu đồng từ hơn chục năm nay sẽ được sửa sang diện mạo mới. Cuộc sống dư giả rồi, người quê cũng phải biết hưởng thụ.

Người Đồng Gianh và thôn quê đã mang một nét mặt mới. Mồ hôi và sức sáng tạo, sự nhanh nhạy đã cho mùa quả ngọt. Giữa một vùng biếc xanh của cây trái đang bừng thức niềm vui hạnh phúc. Và, trên hết là lòng người Đồng Gianh mang niềm vui tươi sáng đón Xuân về.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.