Điểm đến hấp dẫnCột mốc được khởi công xây dựng ngày 29/11/2007, khánh thành ngày 18/01/2008. Vị trí cột mốc nằm ở độ cao 1.086m, trên một đỉnh đồi mênh mông gió núi, mây trời, từ đây có thể nhìn thấy lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Chính vì thế, nơi đây trở thành một điểm du lịch thu hút khá nhiều du khách, theo đó là nhiều công trình mọc lên, đường sá được đầu tư, điện lưới quốc gia đã về tới buôn làng làm cho vùng đất này bừng lên một sức sống mới.
Điểm hấp dẫn du khách, ngoài việc được đặt chân đến một địa điểm ghi dấu ấn lịch sử, với Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, Siêu thị miễn thuế, Cột mốc ba biên, thì Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Trường Sơn đang trở thành điểm du lịch tâm linh thu hút nhiều du khách.
Đặc biệt, trên con đường biên giới quanh co, núi đồi trùng điệp, du khách sẽ đi ngang qua vùng đất với nhiều câu chuyện hấp dẫn của người Ca Doong như tảng đá Mô Yang (đá trời), gắn với truyền thuyết về 7 cô gái và vị vua Hổ, hồ Đăk H’Niêng thơ mộng; thác Đon Chor hùng vĩ, từ xa đã nghe tiếng nước chảy như giọng hát vút cao của các chàng trai, cô gái Tây Nguyên.
Anh Hoàng Xuân Hướng, một du khách đến từ TP. Nha Trang chia sẻ: “Tôi đến đây vì muốn được một lần đặt chân đến địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử, phân định biên giới của ba nước. Ngoài ra, cảnh quan nơi đây cũng rất đẹp, nhất là vào mùa Xuân, đứng ở vị trí cột mốc nhìn thấy núi rừng trùng điệp, tứ bề mây phủ trắng xóa, tạo một cảm giác rất thoải mái”.
Ngã ba biên giới này gắn liền với những “huyền thoại” trong truyền thống của lính Biên phòng. Mấy chục năm trước, những người lính Biên phòng lặn lội trong rừng sâu, núi thẳm để tìm, vận động mười mấy hộ dân người Brâu-tộc người có nguy cơ tuyệt chủng, bởi cuộc sống của họ cực kỳ khó khăn giữa rừng già. Mấy chục con người ấy được đưa về ngã ba biên giới này, để lập nên làng Bờ Y như hiện nay...
Trưởng thôn Đăk Mế, xã Bờ Y chia sẻ: “Làng hiện có 135 hộ dân, hơn 300 nhân khẩu, được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở khang trang, điện nước đầy đủ, bên Quốc lộ 40 thảm nhựa phẳng lỳ, xe máy, ô tô tấp nập đêm ngày. Con em của làng chưa có ai học tới đại học, nhưng không có em nào mù chữ. Nhà nào cũng có mấy ha cà phê, có trâu, bò, heo, không ai bị đói. Tất cả nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước và bộ đội đấy...”.
Bờ Y vào XuânCó thể nói, sự kiện Cột mốc ba biên được xây dựng, không chỉ đánh dấu một mốc son mới trong mối quan hệ hữu nghị của ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia mà còn góp phần thay đổi đáng kể cuộc sống của đồng bào DTTS xã biên giới Bờ Y.
Xã Bờ Y có lợi thế là nằm trong khu vực kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Đặc biệt, toàn xã có 17 dân tộc anh em sinh sống, tạo cho địa phương có bản sắc đa dạng về văn hóa. Trong đó, các làng nghề truyền thống của đồng bào DTTS là điểm đến ưa thích của du khách. Xây dựng làng nghề gắn với phát triển du lịch, đang là hướng đi của ngành du lịch tỉnh Kon Tum.
Theo ông Trần Văn Phát, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, ngành Du lịch Kon Tum đang triển khai phát triển các điểm, tuyến du lịch, tạo nên một tam giác du lịch Việt Nam-Lào-Campuchia, đồng thời phát triển các loại hình du lịch như, du lịch văn hoá các làng đồng bào dân tộc thiểu số; du lịch sinh thái; du lịch thăm quan các di tích lịch sử cách mạng… Dự kiến đến năm 2025, huyện Ngọc Hồi sẽ đón khoảng 65.000-80.000 lượt khách, trong đó khách đến Cột mốc ba biên chiếm 90% trên tổng số lượng khách du lịch đến địa phương. Hiện nay, mỗi năm nơi đây cũng đã thu hút được hàng nghìn lượt khách tới thăm quan.
Ông Nguyễn Duy Cường, Chủ tịch UBND xã Bờ Y cho biết: Ngoài kế hoạch đầu tư phát triển chung của tỉnh, huyện, xã cũng có kế hoạch xây dựng làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Trước mắt, xã xây dựng làng nghề ở thôn Đăk Mế, để duy trì, phát triển một số nghề như, thủ công mỹ nghệ, điêu khắc, dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, mộc, thêu ren, tạc tượng, chế biến rượu cần, cơm lam... Các làng nghề vừa cho sản phẩm hàng hóa, vừa là sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn, thu hút khách giúp người dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
“Trước đây, bà con ai cũng nghèo nên Tết buồn lắm. Giờ thì khác rồi, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương tạo điều kiện làm ăn nên cuộc sống đã bớt khó khăn, cuối năm có tiền để mua sắm, nhà nào còn nghèo sẽ được hỗ trợ quà, gạo để đón Tết nữa bà con mình vui lắm”, bà Y Bla, dân tộc Ca Dong ở làng Ta Ka, xã Bờ Y chia sẻ.
THÀNH NHÂN