Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Vào “công trường” khai thác vàng trái phép ở Quảng Nam

T.Nhân-H.Trường - 03:29, 29/01/2024

Một diện tích rừng khá lớn bị đào xới với nhiều hầm, hố sâu hoắm. Tiếng máy nổ hoạt động hết công suất rền vang cả một góc rừng. Con suối dưới chân đồi đục ngầu. Hàng chục người đang hì hục khoét núi đào vàng. Đó là những gì diễn ra tại bãi vàng 5A (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) mà phóng viên ghi nhận được sau nhiều ngày tìm hiểu.

Hàng chục lán trại trái phép mọc lên giữa rừng phục vụ việc đào vàng trái phép
Hàng chục lán trại trái phép mọc lên giữa rừng phục vụ việc đào vàng trái phép

Khai thác vàng trái phép ngay giữa ban ngày

Nhận được thông tin phản ánh của người dân về tình trạng khai thác vàng trái phép rầm rộ xảy ra ở bãi vàng 5A (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn), chúng tôi đã quyết định tìm đến tận nơi để tìm hiểu thực hư. Sau nhiều giờ băng qua các con dốc lởm chởm đá, chúng tôi phải giấu xe máy vào bụi rậm nhằm tránh sự phát hiện của các “chim mồi” rồi đi bộ vòng qua con đường mòn trong rừng để vào bên trong bãi vàng.

Trước mắt chúng tôi, cả một diện tích lớn đồi núi bị đào xới, hàng chục lán trại được dựng lên để phục vụ việc khai thác vàng trái phép. Tại đây, hoạt động khai thác vàng diễn ra rầm rộ, những người khai thác vàng đang xay đá, tuyển vàng; nhóm khác thì chui vào hầm đào, đưa quặng ra ngoài. Tiếng máy nổ, tiếng máy xay đá vang cả khu rừng chẳng khác nào một công trường giữa rừng.

Máy móc, công cụ được nhóm vàng tặc đưa vào rừng để phục vụ việc đào đãi vàng
Máy móc, công cụ được nhóm vàng tặc đưa vào rừng để phục vụ việc đào đãi vàng

Theo ghi nhận của chúng tôi, càng lên phía đồi núi cao, thì việc khai thác vàng trái phép càng rầm rộ hơn. Nhẩm tính, có khoảng vài chục người đang đào bới vàng tại khu vực này. Người dùng cuốc xẻng đào đất đưa lên xe đẩy, người ngâm ủ xái quặng, người vận hành máy móc... Nước từ các quặng đục ngầu chảy thẳng ra con suối lớn phía dưới chân núi.

Tiếp cận một nhóm người đang làm vàng, chúng tôi hỏi: Làm như thế này không sợ công an hay sao? “Nếu thấy lực lượng chức năng đến thì chúng tôi cất giấu máy móc rồi lẩn trốn. Khi yên ắng thì chúng tôi làm tiếp” người này nói. Họ cho biết, họ làm thuê cho người khác với số tiền khoảng 200.000-300.000 đồng mỗi ngày. Công việc chủ yếu là vận chuyển đất đá đưa vào máy nghiền.

Máy móc được đưa vào bãi vàng để khai thác trái phép
Máy móc được đưa vào bãi vàng để khai thác trái phép

Cũng có người tự mua máy móc, thiết bị về để lên bãi này đào đãi kiếm vàng. Những người đào vàng biết là không được phép nhưng vì thu nhập sẽ cao hơn làm nông hay làm công nhân nên họ làm. “Ngày gặp may thì đãi được vài phân vàng, bán cũng được vài trăm ngàn đổi gạo nhưng cũng hên xui, có ngày không được đồng nào. Nếu phát hiện có lực lượng chức năng lên thì chúng tôi sẽ chạy trốn, khi nào im thì làm tiếp”, một thanh niên đang đào quặng ở đầu đường lên bãi vàng nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mỏ vàng 5A từng được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác cho Công ty Thành Lộc Sơn quản lý, sử dụng phục vụ cho hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản vàng. Đến năm 2017, mỏ vàng hết thời hạn khai thác, được UBND huyện giao lại cho xã Phước Thành quản lý.

Sau khi mỏ vàng hết hạn khai thác, nhiều người lại đổ xô đến bãi vàng để tìm vận may. Nhiều máy móc, nhân lực được đưa lên bãi vàng và hoạt động hết công suất. Những người này dùng vôi, soda, xyanua ngâm ủ để lấy vàng từ xái quặng. Sau khi lấy vàng, số hoá chất này được xả thẳng ra môi trường.

Có hay không sự buông lỏng quản lý?

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về thực trạng khai thác vàng trái phép diễn ra rầm rộ trên địa bàn, ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết: Trong thời gian qua, UBND huyện đã thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan liên quan của huyện, UBND xã thực hiện công tác kiểm tra, truy quét hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện, trong đó có cả khu vực bãi 5A.

Trong năm 2023, các lực lượng liên quan đã tổ chức 20 đợt kiểm tra, truy quét, qua đó lập biên bản và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 trường hợp về hành vi khai thác khoáng sản trái phép với số tiền 60 triệu đồng. Đồng thời, tiêu hủy 98 máy nổ, 37 củ điện, 10 khoan hơi, 11 máy tời, 2 máy cưa, 6 khoan tay, 11 máy dập, 59 cối xay, 141 lán trại, khoảng 2200m dây điện, 4500m ống nước, 1200 lít dầu và một số dụng cụ khác phục vụ cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm để khai thác vàng trái phép ở bãi vàng 5A
Nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm để khai thác vàng trái phép ở bãi vàng 5A

“Lần gần đây nhất là vào ngày 03/01/2024, lực lượng Công an huyện đã phối hợp cùng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện và UBND xã Phước Thành tiến hành kiểm tra, truy quét, tiêu hủy 10 lán trại, 5 máy nổ, 3 củ điện, 1 máy tời, 1 khoan tay, 6 cối xay”, ông Trung thông tin.

Khi phóng viên đề cập việc phải chăng có sự buông lỏng quản lý của phía chính quyền địa phương để tình trạng khai thác vàng diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa dẹp bỏ? Lãnh đạo UBND huyện Phước Sơn cho rằng trong thời qua, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản đã được UBND huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt, đã ban hành 43 văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực này, chỉ đạo các đơn vị tổ chức trên 20 đợt kiểm tra, truy quét đẩy đuổi các đối tượng khai thác kháng sản vàng trái phép ra khỏi địa bàn, phá hủy nhiều trang thiết bị, dụng cụ phục vụ khai thác vàng. Tuy nhiên, tình hình khai thác khoáng sản vẫn còn xảy ra là do khu vực này cách xa khu dân cư, địa hình đồi núi cao, đa số đối tượng khai thác trái phép là người địa phương, một số ít là người từ địa phương khác đến lén lút hoạt động, khi phát hiện lực lượng chức năng kiểm tra thì bỏ trốn vào rừng, gây khó khăn cho công tác xử lý.

Nước thải từ các bãi quặng chảy thẳng ra suối gây ô nhiễm
Nước thải từ các bãi quặng chảy thẳng ra suối gây ô nhiễm

Cũng theo ông Trung, trước tình hình khai thác vàng trái phép như hiện nay, huyện đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị có liên quan tham mưu văn bản, kế hoạch, xây dựng phương án tiếp tục kiểm tra, tuần tra, truy quét các tụ điểm khai thác vàng trái phép. Xử lý triệt để những kẻ tổ chức, cầm đầu, đối tượng nào vi phạm mức hành chính phải xử lý hành chính, những đối tượng đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần phải xử lý nghiêm khắc.

Đối với việc mỏ vàng 5A đã hết hạn nhưng chưa đóng cửa mỏ, lãnh đạo UBND huyện Phước Sơn, cho biết sau khi hết hạn khai thác, Công ty TNHH Thành Lộc Sơn vẫn chưa tiến hành lập hồ sơ, thủ tục và thực hiện công tác đóng cửa mỏ khoáng sản vàng gốc tại khu vực bãi 5A. UBND huyện đã có văn bản đôn đốc nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện việc đóng cửa mỏ. “Công ty TNHH Thành Lộc Sơn không còn hoạt động trên lĩnh vực khoáng sản, trụ sở văn phòng đã di dời đi nơi khác, không xác định được địa chỉ, nên việc đôn đốc doanh nghiệp thực hiện lập hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ còn nhiều khó khăn. Huyện đã giao cho Công an huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục điều tra xác minh doanh nghiệp có còn hoạt động hay không, nếu doanh nghiệp còn hoạt động mà không thực hiện đóng cửa mỏ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Trung khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.