Theo báo cáo kết quả triển khai Chương trình OCOP của tỉnh Hà Giang cho thấy: Để thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh đã tổ chức ba hội nghị cấp tỉnh triển khai Đề án với các Sở, ngành và các huyện, thành phố. Đã có ba huyện (gồm Quản Bạ, Xín Mần, Hoàng Su Phì) mời chuyên gia tư vấn cấp Trung ương triển khai tổ chức tuyên truyền, khởi động Chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020. Đồng thời, tỉnh cũng cử đoàn tham gia Hội chợ OCOP Quảng Ninh hè 2018. Trong đó, Hà Giang có hai gian hàng tiêu chuẩn, giới thiệu 49 sản phẩm tiêu biểu của 6 hợp tác xã, thu hút hàng nghìn lượt khách thăm quan, mua sắm. Các sản phẩm tham gia Hội chợ được khách hàng đánh giá cao như: Mật ong bạc hà, dược liệu, trà Phìn Hồ, tinh bột nghệ, rượu thóc Nàng Đôn...
Năm 2018, Hà Giang đã triển khai mô hình thí điểm tại huyện Quản Bạ. Tổ tư vấn của tỉnh đã phối hợp với huyện lựa chọn sản phẩm, nhóm sản phẩm thế mạnh để nâng cấp, phát triển. Trên cơ sở kết quả đăng ký của 27 chủ thể tham gia với 37 sản phẩm cho thấy, các sản phẩm đạt chất lượng 5 sao còn ít, chủ yếu mới đạt từ 2-4 sao. Trong quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn, hạn chế, như: người dân cũng như cán bộ còn thiếu kinh nghiệm trong tổ chức triển khai Chương trình; sản phẩm chưa qua chế biến, chất lượng còn thấp, chưa có tem, nhãn mác, xuất xứ, nguồn gốc; thiếu nguồn nhân lực có chất lượng; nguồn kinh phí địa phương còn hạn chế…
Về thực hiện Quyết định 1385/QĐ-TTg ngày 21/10/ 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ thôn bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020 (Đề án 1385), Hà Giang có 28 xã với 277 thôn của 7 huyện biên giới nằm trong diện của Đề án. Theo đó, hết năm 2018, Hà Giang có 20 xã với 204 thôn đạt dưới 10 tiêu chí. Số xã đạt chuẩn NTM năm 2018 là 1 xã. Có 7 xã với 73 thôn đạt trên 10 tiêu chí NTM.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Ngô Tất Thắng khẳng định: tỉnh Hà Giang có nhiều tiềm năng về văn hóa, tài nguyên, cảnh quan để phát triển các sản phẩm thế mạnh, xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đã tham mưu cho Bộ NNN&PTNT tập trung nguồn lực, con người để hỗ trợ tỉnh Hà Giang thực hiện. Hà Giang cần chú trọng cách thức, quan điểm xây dựng NTM. Với Chương trình OCOP, Hà Giang cần tiến hành đánh giá sau 01 năm triển khai về vai trò của cấp tỉnh, huyện. Cần xác định sản phẩm quan trọng nhất trong Chương trình OCOP chính là mô hình Làng Văn hóa du lịch, trên cơ sở đó chú trọng tổ chức kết nối tua, tuyến để phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương...
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn đã đến làm việc với UBND huyện Quản Bạ để tìm hiểu thực tế về một số mô hình sản xuất tại một số thôn, xã trong huyện. Tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ- mô hình điểm triển khai Chương trình OCOP, Đoàn đã làm việc về ý tưởng quy hoạch, kiến trúc, phương án triển khai, đầu tư, tổ chức hoạt động của Làng Văn hóa Du lịch Nặm Đăm. Nậm Đăm sẽ là mô hình làm mẫu, giúp xây dựng đề án phát triển kinh tế du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới.
THANH HUYỀN-HỒNG MINH