Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Văn Lãng (Lạng Sơn): Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS

Văn Hoa - Văn Huy - 06:45, 17/11/2023

Là huyện vùng cao biên giới, với tỷ lệ đồng bào DTTS cao, tiềm ẩn nhiều diễn biến liên quan đến đảm bảo an ninh trật tự, chủ quyền biên giới, do đó, huyện Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn) rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân. Qua đó, góp phần tạo sự lan tỏa, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện.

Đẩy mạnh phổ biến giáo dục pháp luật

Văn Lãng là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Lạng Sơn, có tổng diện tích tự nhiên là 563,3 km2, gồm 19 xã và 1 thị trấn (Na Sầm). Trong đó, có 5 xã biên giới với đường biên giới dài hơn 36 km. Với đặc thù là huyện biên giới, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, hiểu biết về pháp luật không đồng đều và còn hạn chế, vì vậy, để nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, công tác tuyên truyền, PBGDPL luôn được huyện chú trọng.

Theo đó, những năm qua, huyện Văn Lãng đã tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là giữa cơ quan Tư pháp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện trong công tác tuyên truyền, PBGDPL; nghiên cứu nắm chắc đặc điểm, tình hình của từng địa bàn, đối tượng cần được tuyên truyền pháp luật để có nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp.

Các đại biểu tham gia tập huấn nghiệp vụ thực hiện trợ giúp pháp lý và bồi dưỡng kỹ năng hòa giải ở cơ sở tại xã Bắc Hùng, huyện Văn Lãng
Các đại biểu tham gia tập huấn nghiệp vụ thực hiện trợ giúp pháp lý và bồi dưỡng kỹ năng hòa giải ở cơ sở tại xã Bắc Hùng, huyện Văn Lãng

Các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị đã tích cực đổi mới hình thức tuyên truyền như: tổ chức hội nghị phổ biến, thông qua hoạt động hòa giải, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, câu lạc bộ nông dân với pháp luật; lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tập thể, thi hành án dân sự, công tác xét xử với nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền. Đồng thời, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật đã tích cực tham gia phổ biến các văn bản pháp luật thông qua Ngày pháp luật, các buổi sinh hoạt định kỳ của cơ quan, đoàn thể, trường học.

Từ năm 2022 đến nay, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện đã tổ chức tuyên tuyền được trên 1.800 cuộc với trên 70.000 lượt người tham gia; cấp phát trên 5.600 các loại sách tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cẩm nang, hòa giải ở cơ sở…

Nội dung chủ yếu tuyên truyền về: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Biên giới quốc gia, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống mua bán người…

Đặc biệt, thực hiện Dự án 9 về Đầu tư phát triển nhóm DTTS còn nhiều khó khăn và khó khăn đặc thù, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Năm 2022, huyện Văn Lãng đã xây dựng 30 pano, 14.000 tờ rơi; năm 2023, tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền cho 1.105 người tham dự tuyên truyền nâng cao nhận thức về Luật hôn nhân và Gia đình, Luật bình đẳng giới và những nội dung có liên quan đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, gắn với các điểm có nguy cơ tảo hôn cao, các thôn trên địa bàn các xã; tổ chức 5 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật tại các xã, thị trấn với 557 người tham dự.

Thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 10 về Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong đồng bào DTTS và MN. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình, huyện Văn Lãng đã Tổ chức 8 cuộc tập huấn kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người DTTS và MN với 1.038 người tham dự.

Cùng với việc tuyên truyền, huyện còn tập trung thực hiện tốt các chương trình, đề án PBGDPL, đặc biệt là việc triển khai thực hiện hiệu quả đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 – 2021” ( đây là một trong 7 đề án theo Quyết định số 1133/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện); thực hiện có hiệu quả việc xây dựng các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật…

Những kết quả tích cực

Anh Hoàng Văn Hưng, thôn Pò Pheo, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng bày tỏ: Nhờ được cán bộ xã thường xuyên tuyên truyền pháp luật về các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày như: Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình…, nên chúng tôi đã có nhiều hiểu biết về pháp luật hơn. Từ đó, chúng tôi biết chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tích cực tham gia xây dựng gia đình, thôn văn hóa, văn minh.

Ra mắt câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” xã Thanh Long. Câu lạc bộ hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, dân chủ, bình đẳng; tuân thủ pháp luật về bảo vệ an ninh trật tự. (Ảnh Mỹ Hạnh)
Ra mắt câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” xã Thanh Long. Câu lạc bộ hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, dân chủ, bình đẳng; tuân thủ pháp luật về bảo vệ an ninh trật tự. (Ảnh Mỹ Hạnh)

Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Văn Lãng Tô Đức Lộc cho biết: Để việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, hằng năm, phòng tham mưu UBND huyện xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng thời, kịp thời quan tâm, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các cơ sở thực hiện các tiêu chí về chuẩn tiếp cận pháp luật. Nhờ đó, ý thức thi hành và chấp hành pháp luật của các ngành, các cấp, cán bộ, công chức và Nhân dân ngày càng được nâng cao.

Cùng với đó, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được huyện quan tâm triển khai thực hiện. UBND huyện đã ban hành Công văn số 906/UBND-TTr ngày 24/5/2022 về việc tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, trong đó tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở theo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022”. Chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện, các xã, thị trấn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác hòa giải ở cơ sở và đẩy mạnh tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho các hội viên là hòa giải viên nhằm nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở.

Năm 2022, toàn huyện có 162 thôn, bản, khu phố thì có 166 tổ hòa giải với tổng số 1.071 hòa giải viên (755 hòa giải viên nam, 316 hòa giải viên nữ, 830 hòa giải viên là ngườiDTTS). Chỉ tính riêng năm 2022, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tổ chức hòa giải 342 vụ, việc về mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, rừng. Trong đó, số vụ hòa giải thành là 262/342 vụ, đạt tỷ lệ 76,6%; số vụ hòa giải không thành 80/342 vụ, chiếm tỷ lệ 23,4%.

Nhờ chú trọng tuyên truyền, PBGDPL, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn huyện từng bước được nâng lên, góp phần hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật. Giai đoạn 2017 – 2021, vi phạm pháp luật trên địa bàn xảy ra 813 trường hợp, giảm 40 trường hợp so với giai đoạn 2012-2017; nhiều năm liền (2019-2022) huyện Văn Lãng luôn giữ vững được 17/17 xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, năm 2022, điểm trung bình về chuẩn tiếp cận pháp luật của 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đạt trên 85 điểm (theo quy định, 80/100 điểm là xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật).


Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.