Cuốn sách là cả một thế giới văn hóa người Mông được hỏi-đáp vô cùng thú vị.
Chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng và hành trình nghiên cứu, cho ra đời cuốn sách, Vừ Pát Ly cho biết: Trong suốt hành trình nghiên cứu, xây dựng cuốn sách từ tháng 8/2015 đến nay, các em nhận thấy rằng, cộng đồng đa số và những cộng đồng thiểu số khác thể hiện sự quan tâm lớn đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội của đồng bào Mông.
Từ nghi lễ cúng bái đến tâm thức tộc người, từ nghệ thuật canh tác ruộng bậc thang cho đến không gian văn hóa, sinh tồn của tộc người. Trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng dành sự ưu ái đặc biệt cho dân tộc Mông khi đi sâu khai thác nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống thường ngày của người Mông. Các bạn trẻ người Mông cũng rất tích cực tham gia các hoạt động giới thiệu và thảo luận về văn hóa dân tộc mình.
Vừ Pát Ly bảo rằng, từ những thực trạng định kiến về văn hóa, hiểu sai về văn hóa hoặc sự lãng quên về thực hành văn hóa của các bạn thanh niên người Mông, các em nhận thấy cần thiết phải viết một cuốn sách nói về các hoạt động thực hành văn hóa của dân tộc Mông.
“Trong lúc bàn phương pháp thực hiện, chúng em đã tham gia chương trình người khởi xướng do Viện nghiên cứu Kinh tế-xã hội và Môi trường (ISEE) phát động. Từ đó, nhóm chúng em đã được hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện. Trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch gặp rất nhiều khó khăn về: địa lý, kinh tế, kinh nghiệm thực địa, kinh nghiệm phỏng vấn, ghi chép... Nhưng chúng em đã nhận được sự ủng hộ và chia sẻ nhiệt tình của bạn bè, sự giúp đỡ tận tình của các già làng, người lớn tuổi trong cộng đồng Mông địa phương”.
Lần giở những trang sách, chúng tôi đã thấy được cả một thế giới văn hóa người Mông với bao điều thú vị. Cuốn sách dài 142 trang với 5 chương. Các tác giả đã chú trọng đi vào diễn tả và lý giải những phong tục, tập quán, quan niệm sống và cách thức thực hành văn hóa của dân tộc Mông thông qua việc trao đổi trực tiếp với thực thể văn hóa, quan sát và ghi chép cách thức thực hành văn hóa hiện tại để từ đó truyền tải văn hóa, ý thức và phương thức sinh hoạt văn hóa đến chính những người trẻ và cộng đồng.
Cuốn sách đã nêu lên tộc danh, tộc người, văn hóa vật chất, tinh thần, phong tục, luật tục của người Mông. Cách thực hành văn hóa, nguồn gốc ra đời của một số thực hành văn hóa người Mông, trong đó có những vấn đề khá thú vị, ví dụ như: Tên đệm của người Mông như thế nào?
Sau khi lấy chồng, phụ nữ Mông được xưng hô ra sao? Tại sao có người nói cuộc sống của người Mông là cuộc sống tạm bợ? Làm vườn của người Mông có gì đặc biệt? Bản chất của việc vẽ sáp ong trong trang phục người Mông? Tại sao nhà của người Mông thường thấp và tối? Tại sao quần của đàn ông Mông lại có ống rộng?
Cách lý giải của cộng đồng Mông đã cho chúng ta cái nhìn bản chất nhất về văn hóa Mông. Ví dụ: khác với nhiều dân tộc khác, tên đệm của người Mông sẽ trở thành yếu tố chính, xuất hiện thường xuyên và có khi được sử dụng để thay thế luôn tên chính trong giao tiếp hằng ngày… Tên đệm của người Mông thường dùng để thực hiện một số chức năng phổ biến như phân biệt giới tính, thẩm mỹ, cầu phú quý...
Qua những gì chúng ta đọc được, tìm hiểu được, có thể thấy, hành trình cho ra đời cuốn sách là một hành trình dài, được xây dựng từ tình yêu của các bạn trẻ với văn hóa dân tộc. “Chúng tôi đã tham khảo nhiều bài nghiên cứu, có khảo sát những nghi vấn của cộng đồng về văn hóa Mông.
Đã đi về các vùng quê xa xôi vùng Đông Bắc, Tây Bắc nơi có nhiều người Mông sinh sống. Ở đó chúng tôi có gặp nhiều già làng, trưởng họ để hỏi và đáp những khúc mắc về văn hóa của người Mông. Xuất phát từ quan điểm thực tế dưới góc nhìn của chính cộng đồng người Mông, chúng tôi đã cố gắng tìm lại, làm rõ hoặc giải thích thêm cách thực hành văn hóa của dân tộc mình đến với đông đảo độc giả”, Vừ Pát Ly chia sẻ.
THANH HUYỀN