Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Vân Canh (Bình Định): Mỗi đoàn viên là một tuyên truyền viên chống dịch Covid-19

Thành Nhân - 15:47, 22/02/2021

Vân Canh là huyện miền núi của tỉnh Bình Định, có Quốc lộ 19C nối với các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đăk Lăk. Nếu không có biện pháp chủ động phòng chống thì nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất cao. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cơ quan, ban ngành trong huyện Vân Canh rất chủ động trong công tác phòng chống dịch. Điển hình như Huyện đoàn Vân Canh đã chỉ đạo các cấp cơ sở Đoàn trong toàn huyện, tập trung tuyên truyền, chung tay phòng, chống dịch bệnh, thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng của tuổi trẻ, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả...

Đoàn viên, thanh niên xã Canh Hiệp phối hợp với cán bộ y tế và Công an xã hướng dẫn trẻ em đeo khẩu trang tại khu dân cư làng Hiệp Hưng.
Đoàn viên, thanh niên xã Canh Hiệp phối hợp với cán bộ y tế và Công an xã hướng dẫn trẻ em đeo khẩu trang tại khu dân cư làng Hiệp Hưng.

Đa dạng các hình thức tuyên truyền

Trong những ngày qua, tại nhiều tuyến đường liên thôn, làng trên địa bàn xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, người dân đã rất quen thuộc với hình ảnh những chiếc áo xanh của các bạn đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) và công an xã Canh Hiệp, đến các khu dân cư để tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho bà con Nhân dân; vận động người dân phải mang khẩu trang khi tập trung ở các khu vực công cộng, hạn chế tập trung đông người và giữ khoảng cách cần thiết.

Ông Đinh Văn Để, sống tại làng Hiệp Hưng chia sẻ: Nhờ các ĐVTN trong xã thường xuyên tuyên truyền về dịch bệnh, tôi và gia đình đã hiểu hơn về sự nguy hiểm của dịch bệnh này. Từ nay, tôi sẽ chú trọng vệ sinh nhà cửa, nhắc nhở mọi người trong gia đình thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người.

Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền tại khu dân cư, các ĐVTN xã Canh Hiệp còn sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook để tuyên truyền, chia sẻ kịp thời và chính xác thông tin về tình hình dịch bệnh; khuyến nghị không chia sẻ các thông tin không rõ nguồn gốc, gây hoang mang trong Nhân dân; phát tờ rơi hướng dẫn người dân thực hiện "5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế"; sử dụng băng rôn có nội dung liên quan đến tình hình, cách thức phòng dịch bệnh; ra quân các đội thanh niên tình nguyện nhằm hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng BlueZone.

Đồng thời, các ĐVTN của xã còn tích cực phối hợp với già làng, Người có uy tín tại các thôn, làng trong vùng đồng bào DTTS tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” trong thôn, làng và lồng ghép trong các buổi sinh hoạt cộng đồng để tuyên truyền, hướng dẫn người dân về cách phòng, chống dịch bệnh, khai báo y tế. 

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, các ĐVTN xã Canh Hiệp đã vận động hàng chục lượt người trong các thôn, làng tự nguyện khai báo y tế bắt buộc khi đi từ các tỉnh, thành phố khác về địa phương.

Anh Lê Viết Quang, Bí thư Đoàn xã Canh Hiệp cho biết, trên địa bàn xã có 2 thành phần DTTS sinh sống đó là Chăm và Ba na, trong đó nhiều người không biết chữ, hoặc rất hạn chế giao tiếp bằng tiếng phổ thông nên rất khó tuyên truyền. Vì thế, các bạn ĐVTN của xã đã trực tiếp đến từng nhà tuyên truyền miệng và bằng hình ảnh trực quan. Nhờ vậy mà,  đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh trên địa bàn xã đang được kiểm soát tốt.

Hiệu quả tích cực

Để công tác chống dịch đạt hiệu quả cao, các Xã đoàn và thị trấn trên địa bàn huyện Vân Canh còn thành lập tổ thanh niên xung kích tuyên truyền lưu động. ĐVTN sử dụng xe máy, gắn loa có thu sẵn các nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch. Đặc biệt, nội dung tuyên truyền cũng được dịch qua tiếng đồng bào DTTS. Đến từng nơi khác nhau, ĐVTN sẽ bật loa phù hợp để mọi người dân đều hiểu và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài việc tuyên truyền lưu động tại khu vực trung tâm, đông dân cư, ĐVTN ở nhiều xã còn thường xuyên đặt các hệ thống loa tại các nhà văn hoá thôn, làng vào những khoảng thời gian từ 8 giờ đến 11 giờ và từ 15 giờ đến 18 giờ hằng ngày, nhằm giúp giúp người dân cập nhật thông tin chính xác về dịch bệnh, nhắc nhở mọi người chấp hành các quy định về phòng dịch. Nhờ vậy, ở nhiều làng thuộc xã Canh Thuận và Canh Hoà, từ người già đến trẻ em đều biết và thuộc các biện pháp phòng, chống dịch như thường xuyên rửa sạch tay, vệ sinh nhà cửa và môi trường sạch sẽ, đeo khẩu trang khi ra ngoài và đến chỗ đông người.

Anh Phạm Hồng Danh, Bí thư Xã đoàn Canh Thuận cho biết: Hình thức tuyên truyền bằng loa di động rất linh hoạt và thuận lợi, vì có thể đi đến từng đường làng, thôn xóm. Ở một số làng có đông đồng bào DTTS như: Làng Hà Văn Trên, Hà Luỹ, Hòn Mẻ, Ka Te, Kà Sim… việc tuyên truyền bằng tiếng dân tộc Chăm và Ba Na đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp bà con tiếp cận thông tin một cách dễ hiểu và nhanh chóng hơn. Qua đó, giúp người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.

Đánh giá về hiệu quả và tinh thần trách nhiệm “chống dịch như chống giặc” của các tổ chức trên địa bàn huyện, ông Sô Y Lũy, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho hay:  Huyện đoàn Vân Canh đã khơi dậy được sức trẻ, thể hiện vai trò xung kích, nhiệt huyết của lực lượng ĐVTN tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng những việc làm cụ thể, lan tỏa trong cộng đồng hình ảnh tuổi trẻ luôn tiên phong, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.