Điển hình như ông Quách Đức Ban, dân tộc Mường, thôn Bái Gạo 1, xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Từ khi được người dân tín nhiệm bầu là Người có uy tín, ông luôn trăn trở tìm cách thoát nghèo cho gia đình và giúp đỡ bà con quanh vùng.
Nhận thấy địa phương lợi thế phát triển kinh tế từ rừng, năm 1998, khi huyện triển khai thực hiện chủ trương của Nhà nước về giao đất, giao rừng cho cộng đồng quản lý, chăm sóc, Nhà nước giao đất, giao rừng cho người dân chăm sóc, ông Ban mạnh dạn nhận 10ha rừng, chủ yếu là đất trống, đồi núi trọc theo Chương trình 661 để khoanh nuôi, thực hiện mô hình phát triển kinh tế rừng.
Để phát triển kinh tế rừng, ông Ban đã tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng qua sách, báo và các lớp tập huấn do huyện, xã tổ chức, đồng thời đi thăm quan học hỏi các mô hình phát triển kinh tế rừng hiệu quả ở trong và ngoài huyện.
Thời gian đầu, để lấy ngắn nuôi dài, ông đã trồng ngô, sắn ở dưới chân đồi thấp, trên đồi cao trồng keo và một số cây lâm nghiệp khác, đồng thời tận dụng chăn nuôi thêm trâu, bò, lợn, gà, ong mật dưới tán rừng.
Nhờ cố gắng trong công việc, mô hình kinh tế rừng của gia đình ông ngày càng cho hiệu quả cao. Tính đến nay, gia đình ông đã có thu nhập ổn định 100 triệu đồng/năm và đã chính thức thoát nghèo. Ngoài ra, ông còn luôn giúp đỡ, hướng dẫn các hộ dân khác quanh vùng chuyển giao khoa học kĩ thuật để cùng vươn lên thoát nghèo.
Với tinh thần lao động sáng tạo, mong muốn được cống hiến cho gia đình và xã hội, ông Hà Văn Nhớ, dân tộc Tày, Người có uy tín ở thôn Lung Cu, xã Quang Minh (huyện Bắc Quang, Hà Giang) trở thành gương sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Với vai trò Người có uy tín, ông Nhớ luôn nhận thức muốn nâng cao đời sống tinh thần của mọi người ở địa phương thì trước hết phải đảm bảo được đời sống vật chất cho bà con, do đó trước hết phải phát triển kinh tế gia đình. Với suy nghĩ như vậy, ông đã tận dụng địa hình, khe suối trong diện tích đất của gia đình, cải tạo đất trồng cây ăn quả, trồng rừng, đào ao thả cá…
Sau 5 năm phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình, đến nay gia đình ông có trên 3.000 m2 ao thả cá với nhiều giống, như: Cá rô phi đơn tính, chép, trắm cỏ; trên 1 ha cam; 4 ha keo; không chỉ vậy, ông còn tận dụng thêm diện tích đất đồi để trồng các loại cây ăn quả như: Nhãn, vải, bưởi da xanh và cây bồ đề.
Ngoài ra, năm 2020 ông đã mạnh dạn đầu tư 200 triệu đồng để trồng 1 ha giống cây cát sâm và mở rộng diện tích trồng rừng với 2 giống cây quế và cây keo. Hiện tại, thu nhập hàng năm của gia đình ông ước tính trên 100 triệu đồng.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế cho gia đình, ông Nhớ luôn giúp các hộ trong thôn, cùng thoát nghèo. Qua những buổi sinh hoạt thôn, ông thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăm sóc cây trồng.
Ngoài ra ông luôn tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Nhờ đó, thôn Lung Cu luôn đi đầu trong các phong trào thi đua của xã, bản thân ông Nhớ luôn được người dân tin yêu, quý mến.
Những đóng góp của đội ngũ Người có uy tín cho đồng bào DTTS và miền núi trong phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều năm qua đã góp phần làm thay đổi diện mạo bản làng vùng cao, đẩy lùi hủ tục và đói nghèo.