Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hiệu quả từ mô hình “Cơ sở thờ tự, tự quản về an ninh trật tự” trong vùng đồng bào Khmer

S. Vy - Q. Như - 11:57, 28/08/2022

Nhằm gắn kết tinh thần trách nhiệm của Ban quản trị các chùa Khmer và các vị Người có uy tín với công tác ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã xây dựng mô hình “Cơ sở thờ tự, tự quản về an ninh trật tự” trong vùng đồng bào Khmer.

Hàng tháng Công an xã An Cư đến từng chùa Khmer trao đổi, thống nhất nội dung tuyên truyền
Hàng tháng Công an xã An Cư đến từng chùa Khmer trao đổi, thống nhất nội dung tuyên truyền

Xã An Cư có tỷ lệ đồng bào Khmer cao nhất huyện Tịnh Biên (gần 75%), và cũng là xã có nhiều cơ sở thờ tự nhất huyện với 11 chùa Nam tông. Trước đây, trong các dịp lễ hội, những ngày sinh hoạt văn hoá truyền thống của dân tộc, số lượng phật tử tập trung rất đông nên tình hình an ninh trật tự rất phức tạp; thường xuyên có các cuộc đánh nhau giữa thanh thiếu niên các phum sóc lân cận, xuất hiện tình trạng cướp giật tài sản của người dân nhưng cũng khó phát hiện.

 Xuất phát từ thực trạng đó, xã An Cư đã xây dựng mô hình “Cơ sở thờ tự, tự quản về an ninh trật tự” trong vùng đồng bào Khmer. Mô hình được đưa vào hoạt động từ năm 2016 đến nay, đã phát huy sức lan tỏa, tinh thần tự quản, giữ vững an ninh trật tự vùng phum, sóc của đồng bào dân tộc Khmer.

Thiếu tá Lê Văn Quang, Trưởng Công an xã An Cư cho biết, xác định An Cư là xã trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự của huyện miền núi Tịnh Biên, chúng tôi đã tham mưu cấp ủy địa phương thành lập mô hình “Cơ sở thờ tự, tự quản về an ninh trật tự”, với Ban Chỉ đạo gồm 17 đồng chí, chia làm 11 tổ tự quản, tương ứng 11 chùa cùng 144 thành viên.

 Các thành viên của tổ tự quản tại các chùa được Ban Quản trị chọn là những Người có uy tín trong đồng bào DTTS, có khả năng tuyên truyền, nắm thông tin và thật sự nhiệt huyết để tham gia mô hình. Qua đó, được trụ trì chùa, Ban Quản trị và những Người có uy tín đồng tình ủng hộ, tham gia.

Người có uy tín có vai trò chủ đạo trong việc thông tin tình hình an ninh trên địa bàn
Người có uy tín có vai trò chủ đạo trong việc thông tin tình hình an ninh trên địa bàn

Theo Thiếu tá Lê Văn Quang, định kỳ hằng tháng, Công an xã An Cư sẽ cập nhật, soạn thảo nội dung tuyên truyền thiết thực, phù hợp, ngắn gọn nhưng vẫn truyền tải được hết tinh thần cốt lõi của nội dung, tổ chức họp triển khai đến 11 tổ tự quản. Chú trọng tuyên truyền các chính sách, Nghị định mới được ban hành trong tháng, phương thức thủ đoạn mới của các loại tội phạm. 

Sau đó, thông qua buổi sinh hoạt tôn giáo tại các chùa, nội dung trên sẽ được thành viên các tổ truyền đạt lại cho đồng bào phật tử bằng loa phát thanh, giúp họ nắm vững, vận động gia đình, người thân cảnh giác và chấp hành pháp luật tại nơi sinh hoạt tín ngưỡng, và nơi sinh sống. 

Các nội dung tuyên truyền điều được các Sư và Người có uy tín dịch sang tiếng Khmer
Các nội dung tuyên truyền điều được các Sư và Người có uy tín dịch sang tiếng Khmer

 Ông Chau Lâm, là Người có uy tín, hoạt động trong Ban Quản trị chùa Soài Check, xã An Cư chia sẻ: Phong tục của người Khmer là một tháng có 04 giữ giới, trong 4 giữ giới đó, có giữ giới sẽ có cả trăm người gồm tất cả anh em, bà con, phật tử ở trong ấp, trong xóm lại chùa, cúng chùa. Lúc này, Sư cả (Trụ trì) sẽ nói với phật tử là cha mẹ, nhắc nhở con cháu chú ý, không sa vào tệ nạn xã hội, cờ bạc, phải tích cực lao động học tập góp phần xây dựng phum sóc ngày càng giàu mạnh, văn minh.

 "Buổi sinh hoạt này rất  hiệu quả do tiếng nói của Sư cả rất là có giá trị, Sư còn tuyên truyền bằng tiếng Khmer nên phật tử rất dễ hiểu”, ông Chau Lâm cho biết.

Từ thực tế hoạt động cho thấy, mô hình “Cơ sở thờ tự, tự quản về an ninh trật tự” trong vùng đồng bào Khmer đã tạo điều kiện cho lực lượng Công an tăng cường gặp gỡ, trao đổi thông tin với các chức sắc tôn giáo có uy tín. Giúp lực lượng đến gần hơn với đồng bào, nhận được sự tin tưởng của đồng bào trong việc tham gia phong trào tố giác tội phạm. 

Minh chứng như, từ khi thành lập đến nay, mô hình đã cung cấp cho Công an xã An Cư trên 150 nguồn tin có giá trị, giúp triệt xóa 45 tụ điểm tệ nạn xã hội, đưa 43 đối tượng đi cai nghiện ma túy, xử lý được 135 đối tượng có liên quan đến tình hình an ninh trật tự tại các chùa. Các vụ việc mâu thuẫn, tệ nạn xã hội trong chùa vào các dịp lễ đông người được xử lý kịp thời, hiệu quả.

Sự thành công của mô hình đã thể hiện vai trò gắn kết giữ “đạo và đời” của các nhà Sư Khmer
Sự thành công của mô hình đã thể hiện vai trò gắn kết giữa “đạo và đời” của các nhà Sư

Thượng tọa Chau Sóc Khonl, trụ trì Chùa Ro, xã An Cư cho biết: “Tại chùa ngoài những buổi sinh hoạt tín ngưỡng kết hợp với việc thông tin chính sách và quy định của Nhà nước đối với công dân,  Sư còn bố trí giờ cố định phát loa tuyên truyền cho đồng bào phật tử nghe thường xuyên các nội dung được cán bộ xã gửi đến hằng tháng. Khi có khó khăn, thì Ban quản trị báo cho Công an sẽ được hỗ trợ kịp thời. Từ khi kết hợp cùng Công an xã thành lập mô hình tự quản, đến nay đã xây dựng được môi trường an toàn không tệ nạn xã hội cho đồng bào phật tử trong phum sóc”.

Những năm qua, mô hình “Cơ sở thờ tự, tự quản về an ninh trật tự” trong vùng đồng bào Khmer đã nhận được sự đánh giá cao từ cấp tỉnh đến cơ sở, nhiều tập thể, cá nhân được nhận được Bằng khen, Giấy khen với thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. 

Kết quả này là động lực, niềm tự hào để lực lượng Công an xã An Cư nói riêng và Công an An Giang nói chung tiếp tục có những sáng kiến, sáng tạo nhiều hoạt động, mô hình hiệu quả nhằm bảo vệ vững chắc trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của Nhân dân. 



Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.