Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Vai trò của Người có uy tín-Nhìn từ góc độ nêu gương: Trao truyền văn hoá cho thế hệ trẻ (Bài 3)

Thuý Hồng - 06:38, 05/11/2022

Trong xu hướng phát triển và hội nhập,, bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc có nguy cơ mai một, với vai trò trách nhiệm của mình, đội ngũ Người có uy tín đã góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn, gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc mình nhất là cho thế hệ trẻ.

Bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc

Lai Châu là địa phương có 20 dân tộc sinh sống, có nhiều bản sắc văn hóa, đặc sắc riêng. Vì vậy, tỉnh Lai Châu xác định bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, là nguồn lực to lớn để từng bước xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội . Để bảo tồn văn hoá dân tộc, chính quyền và nhân dân Lai Châu đã chú trọng tuyên truyền cho người dân và thế hệ trẻ nhận thức và thực hiện mục tiêu này.

Người có uy tín đã góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn, gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc mình nhất là cho thế hệ trẻ.
Người có uy tín đã góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn, gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc mình nhất là cho thế hệ trẻ

Ông Hoàng Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân tộc Lai Châu cho biết: Người có uy tín của tỉnh Lai Châu là hạt nhân được chính quyền, các cơ quan chức năng phát huy vai trò quan trọng của họ trong “chiến lược văn hóa” vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, Người có uy tín ngoài nêu gương, còn được nhìn nhận là những người giữ vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình nhất là việc giáo dục và trao truyền cho thế hệ trẻ.

Theo số liệu tổng hợp, Người có uy tín đã đóng góp công sức rất lớn cho tỉnh Lai Châu trong việc sưu tầm, phục dựng, tổ chức 36 lễ hội dân gian, trong đó có các lễ hội tiêu biểu như lễ hội “Lộc Xuân” xã Sì Lở Lầu;  lễ hội “Then Kin Pang” xã Khổng Lào;  lễ hội “Nàng Han” xã Mường So; lễ hội “Gầu Tào” xã Dào San, huyện Phong Thổ. Tham gia sưu tầm được 325 hiện vật các dân tộc thiểu số vùng biên giới; bảo tồn phát huy các làn điệu dân ca dân tộc Hà Nhì tại huyện Mường Tè…

Ở  tỉnh Lào Cai, Người có uy tín cũng đang phát huy tốt vai trò của mình trong việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống như: Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Lễ hội Xuống đồng của dân tộc Giáy...; Ngoài ra, hàng chục nghề truyền thống được các nghệ nhân là Người có uy tín truyền dạy trong cộng đồng như: Dệt lanh (thổ cẩm), nghề may, nghề rèn đúc dụng cụ sản xuất nông nghiệp, trạm khắc đồ trang sức...; Các hoạt động tín ngưỡng dân gian như: Lễ cấp sắc của dân tộc Dao, cúng cơm mới, cúng thần rừng... đều do các nghệ nhân và Người có uy tín chủ trì tập hợp cộng đồng tổ chức.

phát huy tốt vai trò của mình trong việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống
Các nghệ nhân, Người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình trong việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống

Đồng thời, các nghệ nhân - Người có uy tín còn sưu tầm, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, các áng mo, bài cúng hay các trò chơi dân gian như đánh yến, ném còn, đẩy gậy, kéo co… Tiêu biểu nhất trong lĩnh vực này có những ông, bà: Ông Hoàng Sín Hòa, dân tộc Nùng, Người có uy tín thôn Pạc Ngam, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương đã dạy hát dân ca tiếng Nùng Dín cho 275 cháu học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và cán bộ Hội phụ nữ xã; tổ chức 24 buổi hát giao duyên ban đêm cho 86 người tại 8 thôn trong xã. Trong 5 năm qua, ông Hòa còn cùng với Câu lạc bộ Dân ca Nùng Dín của huyện, tổ chức được 7 lần thi “sáng tác lời mới” dân ca Nùng Dín, đã thu hút được 159 lượt người tham gia sáng tác; tổ chức quay 13 bộ phim, clip về những nét đẹp văn hóa của địa phương…

Bà Mã Én Hằng, Phó trưởng Ban Dân tộc Lào Cai cho biết: Nhờ công lao của đội ngũ Người có uy tín, kinh tế-xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển, các phong tục tập quán, nét văn hóa đặc sắc của từng dân tộc thiếu số tỉnh Lào Cai được giữ gìn và phát huy, gắn với phát triển du lịch, phát triển kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao.

Trao truyền cho thế hệ mai sau

Xuất phát từ tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các yếu tố văn hóa của các DTTS, những năm qua, Người có uy tín đã tích cực tham gia truyền dạy văn hóa, giúp lưu truyền “ngọn lửa” văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Tiêu biểu như ông Hà Văn Thuấn, sinh năm 1942, dân tộc Tày ở thôn Tân Hợp, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã tích cực khai thác sưu tầm những bài hát Then, hát Cọi, hát Phong Slư theo lời cổ, và sưu tầm dịch phổ nhạc hơn 10 bài lời cổ; Sáng tác lời mới theo các làn điệu của dân tộc được trên 50 bài, như hát theo làn điệu Then.

Không chỉ có công sưu tầm các làn điệu Then, mà ông Hà Văn Thuấn còn mở lớp dạy đàn hát Then cho các cháu thanh thiếu nhi, nhằm lưu giữ lại vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc. Lớp học do Nghệ nhân Hà Thuấn, trực tiếp hướng dẫn cho 28 học viên, góp phần giữ gìn bản sắc, thúc đẩy du lịch homestay tại địa phương.

Người có uy tín đã tích cực tham gia truyền dạy văn hóa, giúp lưu truyền “ngọn lửa” văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.
Người có uy tín đã tích cực tham gia truyền dạy văn hóa, giúp lưu truyền “ngọn lửa” văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Bằng đam mê then, Nghệ nhân Hà Thuấn đã thổi bùng lên phong trào then từ thôn, xã, huyện, tỉnh. Ngay thôn Tân Hợp và xã Tân An, quê hương ông, câu lạc bộ Then đã phát triển sâu rộng, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân.

Còn đối với ông Tẩn Phổng Séng, là Người có uy tín và nghệ nhân xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ, Hà Giang lại tích cực truyền dạy dân ca, dân vũ dân tộc Dao cho học sinh. Hàng tuần, ông Tẩn Phổng Séng thường đến trường học để truyền dạy các điệu dân ca dân vũ cho các em học sinh trong các giờ giải lao giữa buổi, hoặc trong các hoạt động ngoại khóa của học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Đình Quang, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Cao Mã Pờ cho biết: Thông qua lồng ghép, giảng dạy văn hóa truyền thống, giúp nhiều học sinh có thể trình diễn được các điệu múa, hát dân gian các dân tộc… Từ đó, giúp thế hệ trẻ thêm yêu văn hóa truyền thống các DTTS, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng phát triển.

Có thể thấy rằng, đội ngũ Người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc luôn gương mẫu, đi đầu, là hạt nhân trong mọi phong trào phát triển kinh tế, bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc. Những đóng góp của đội ngũ Người có uy tín đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, ngày 24/10/2024, tại Tp. Thái Nguyên, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024 đã được tổ chức long trọng. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đến dự và chỉ đạo Đại hội.