Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Và rừng sẽ thêm xanh...

Thanh Nguyễn - 09:04, 08/05/2024

Đổ dốc Bù Sen, những cánh rừng bát ngát của xã Diên Lãm (Quỳ Châu, Nghệ An) đã ở phía xa xa. Núi với rừng, cứ thế tiếp diễn, xanh ngắt, tưởng như mênh mông đến vô cùng. Hỏi ra mới hay, đó là những cánh rừng được cộng đồng người Thái ở bản Hốc đang ngày đêm gìn giữ bằng hương ước nghiêm ngặt.

Mướt xanh rừng bản Hốc
Rừng bản Hốc nằm cạnh bản người Thái

Thỏa thích ngắm rừng bản Hốc, chẳng ai có thể mường tượng nổi những cánh rừng như thế lại nằm sát bản làng người Thái ở xã Diên Lãm.

Với diện tích trên 200ha, rừng bản Hốc trải dài khoảng 5km, từ chân núi Bù Sen kéo lên đến địa giới xã Châu Hoàn. Đường lên rừng khá gần, cũng bởi rừng gần như quần cư với dân. Dưới tán rừng là thảm thực vật đa dạng, ken dày… Cũng bởi, cách đây hàng chục năm, khi Luật Lâm nghiệp chưa thực sự nghiêm, người dân nơi khác vẫn phát nương, làm rẫy thì diện tích rừng này đã được Ban quản lý bản và bà con Nhân dân đồng lòng cùng giữ rừng, nghiêm cấm không cho chặt phá cây rừng.

Hơn ai hết, người dân và Ban quản lý bản đều hiểu rằng, việc giữ rừng không chỉ là để có môi trường xanh sạch, giữ được nước đầu nguồn cung cấp nước tưới cho các diện tích ruộng của bản được năng suất; mà quan trọng là rừng góp phần chống xói mòn đất, hạn chế lũ ống, lũ quét trong mùa mưa.

Bên ấm chè với người dân bản Hốc, chúng tôi được nghe câu chuyện giữ rừng truyền đời. Bí thư Chi bộ bản Hốc, xã Diễn Lãm Quang Văn Đồng kể rằng: rừng bản Hốc là kho báu ông cha để lại. Đầu những năm 2000, khi có phương án chia rừng giao cho hộ dân thì những người cao tuổi của bản nhất định không đồng ý, quyết giữ lại rừng cho tập thể để cộng đồng thôn, bản quản lý, gìn giữ với mục đích truyền lại cho con cháu mai sau. Vì nếu giao cho cá nhân thì rất khó quản lý.

Tổ quản lý rừng bản Hốc cùng với cán bộ kiểm lâm tuần tra kiểm soát rừng
Tổ quản lý rừng bản Hốc cùng với cán bộ kiểm lâm tuần tra kiểm soát rừng

Thời gian đầu, khi những người trẻ lập gia đình, có quy định cho khai thác một phần dưới sự giám sát của Ban quản lý bản để dựng nhà. Nhưng đến năm 2016, bản không cho phép bất kỳ ai được chặt gỗ rừng, xâm phạm đến rừng nữa. Trong hương ước của bản nêu rõ 5 điều cấm đối với rừng bản Hốc. Đó là, không được lấn chiếm đất rừng cộng đồng, không được phát nương làm rẫy trong rừng cộng đồng, không được khai thác bừa bãi các loại lâm sản trong rừng cộng đồng, cấm dùng lửa trong rừng cộng đồng, cấm săn bắt động vật quý hiếm trong rừng cộng đồng.

Có hương ước nghiêm ngặt, nên những ai vi phạm đều bị bản xử phạt rất nặng. Ông Đồng cho biết: “Từ khi có quy ước, không người dân nào ở bản Hốc vi phạm. Nhưng có một số vụ, người dân xã Châu Hoàn kề bên khai thác trái phép lâm sản và đều bị phát hiện, bị cộng đồng bản Hốc xử phạt rất nặng, bắt viết cam kết không được tái phạm".

Nhưng cộng đồng bản Hốc đã giữ rừng như thế nào? – Chúng tôi hỏi thì người dân bản Hốc chia sẻ rằng: Ban quản lý bản đã xây dựng hương ước. Trong hương ước của bản quy định, trên 60 hộ trong bản được chia thành 6 nhóm. Một nhóm có trách nhiệm tuần tra, giám sát rừng trong một tháng. Nếu nhóm nào không tuần tra, để xảy ra mất gỗ sẽ phải chịu phạt.

Rừng che chắn bản làng
Rừng che chắn bản làng

Rừng đang ngày càng giàu hơn, thêm xanh hơn. Hiện nay, rừng ở Diên Lãm phần lớn là rừng đặc dụng với diện tích hơn 7.869ha với mật độ che phủ cao, hệ sinh thái phong phú đa dạng. Theo các nhà chuyên môn, trong rừng đang có các loại cây quý hiếm có giá trị kinh tế và có ý nghĩa lớn trong nghiên cứu khoa học như các loài cây pơ mu, sa mu dầu, sâm 7 lá 1 hoa… Chưa kể các loài động vật quý hiếm như gà lôi trắng, trĩ sao, cu li, vượn đen tuyền, vượn đen bạc má, voọc xám…

Chính quyền xã Diên Lãm cũng đã không đứng ngoài cuộc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng với người dân. Phó Chủ tịch UBND xã Diên Lãm Quang Thanh Tý trao đổi: Hàng năm, UBND xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng bền vững, trong đó các đồng chí thành viên Ban chấp hành Đảng bộ xã và Ban chỉ đạo phân đều ở các bản, thực hiện giám sát công tác bảo vệ rừng, tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng mỗi tháng ít nhất một lần.

Và rừng sẽ thêm xanh
Và rừng sẽ thêm xanh

Giữ được rừng và rừng ngày càng xanh, rừng đang mang lại những lợi ích thiết thực. Người dân bản Hốc được vào rừng tìm lấy mật ong, quế, sa nhân, các loại cây thuốc và cành cây khô làm củi. Ngoài ra, hàng năm cộng đồng bản Hốc được hưởng 31 triệu đồng từ chính sách dịch vụ môi trường rừng; năm 2024 này được hưởng thêm nguồn kinh phí quản lý bảo vệ rừng với số tiền 73 triệu đồng. Hơn 100 triệu đồng này, bản thực hiện theo hướng dẫn của cấp trên, là chi trả cho công tác bảo vệ rừng, như thêm một động lực để cộng đồng vững niềm tin giữ rừng.

Có ai đó đã từng nói, có một cây là có rừng, góp một cây cũng thành rừng. Người dân bản Hốc đang giữ rừng bằng ý thức, trách nhiệm, quyết tâm truyền đời. Chợt nhớ tới những ca từ trong "Một đời người một rừng cây" đầy mộc mạc mà triết lý quá đỗi: ... có một cây là có rừng, và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương!

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.