Sau khi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP được ban hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách quan trọng để triển khai thực hiện các chính sách dân tộc quy định tại Nghị định. Nghị định số 05/2011/NĐ-CP cơ bản đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử là văn bản quy phạm pháp luật định hướng tổ chức thực hiện hệ thống chính sách dân tộc thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tế. Vùng đồng bào DTTS đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy nội lực của các DTTS. Hạ tầng KT-XH được tăng cường đầu tư, đời sống của đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường, khối Đại đoàn kết được chăm lo xây dựng vững chắc.
Việc triển khai thực hiện chính sách từng bước thay đổi cách thức tiếp cận theo hướng chuyển dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ sang hỗ trợ cộng đồng, nhóm hộ, hỗ trợ người dân tự vươn lên thoát nghèo; tích hợp dần các chính sách vào các Chương trình mục tiêu quốc gia với cơ chế quản lý thống nhất, tập trung nguồn lực; phân cấp mạnh cho địa phương và thể hiện rõ tính công khai minh bạch trong tổ chức thực hiện chính sách. Việc bố trí ngân sách đầu tư cho vùng DTTS được quan tâm và ngày càng có trọng tâm, trọng điểm.
Tuy nhiên, qua Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP cho thấy Nghị định đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như: Một số nội dung không còn phù hợp với hệ thống văn bản, pháp luật hiện hành; một số nội dung chưa thống nhất, đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn về lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong tình hình mới; một số nội dung chính sách quy định còn chung chung, thiếu chế tài thực hiện, thiếu quy định cơ chế về nguồn lực tài chính…
Theo đó, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc là hết sức cần thiết để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp 2013, các Nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực công tác dân tộc; pháp điển các văn bản, chính sách pháp luật để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nội dung không còn phù hợp với thực tiễn của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP và hệ thống chính sách dân tộc nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc.
Quan điểm xây dựng dự thảo là sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân triển khai, thực hiện, thụ hưởng chính sách dân tộc; bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc, trong đó có Nghị định cố 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc. Sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp, bổ sung, cập nhập các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và phù hợp với tình hình thực tiễn. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các Nghị định quy định chi tiết thi hành.
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết của việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Một số đại biểu đã phát biểu làm rõ các nội dung như: Phạm vi điều chỉnh; phân định vùng đồng bào DTTS theo trình độ phát triển; chính sách biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS; hiệu lực thi hành…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP; đồng thời đề nghị Vụ Pháp chế (UBDT) - cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu và biên tập lại để hoàn thiện Dự thảo.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải đề nghị các bộ, ngành đẩy mạnh công tác phối hợp, tạo điều kiện và tiếp tục nghiên cứu các vấn đề liên quan trong dự thảo Nghị định để có những ý kiến đóng góp phù hợp với thực tiễn.