Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Y Thông tham dự và chủ trì Hội thảo. Cùng tham dự, có: Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Địa Phương III Tào Việt Thắng; đại diện Vụ Tổ chức quốc tế, Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế (Bộ ngoại giao), Vụ Tín ngưỡng và các tôn giáo khác (Ban Tôn giáo Chính phủ), Vụ Hợp tác quốc tế (UBDT) và đại diện Ban Dân tộc các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe, thảo luận về các chuyên đề hợp tác quốc tế về quyền con người, như: Các vấn đề nhân quyền hiện nay trên thế giới, ở Việt Nam và các cơ chế đối thoại nhân quyền; các hiện tượng tôn giáo mới vùng đồng bào DTTS và miền núi khu vực Nam Bộ hiện nay; công tác ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế; báo cáo quốc gia lần thứ 5 của Việt Nam thực thi Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD).
Là tỉnh có đông đồng bào DTTS, nhiều tôn giáo và có đường biên giới, ông Danh Phúc Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang thông tin: Đồng bào DTTS trên địa bàn đứng thứ 3 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong 100 người dân tộc ở Kiên Giang, thì có khoảng 82 người theo đạo Phật, còn lại sẽ theo những tôn giáo khác.
Gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều tôn giáo “lạ”. Những tôn giáo chưa được Nhà nước công nhận đã bằng nhiều hình thức tuyên truyền, hỗ trợ tiền, hứa xây dựng các công trình cơ sở thờ tự… để lôi kéo các vị là Người có uy tín, ban quản trị chùa.
Cùng với đó, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và hoàn cảnh khó khăn của một bộ phận đồng bào, một số thành phần đã thông qua các hoạt động thiện nguyện lồng vào đó kinh sách để lôi kéo vào các tôn giáo không chính thống. “Về góc độ người làm công tác dân tộc chúng ta cần nghiên cứu các vấn về tôn giáo của các dân tộc tránh gây xung đột tôn giáo”, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông cho biết, Hội thảo lần này được bố trí theo vùng miền để phù hợp với đặc điểm từng vùng đồng bào các dân tộc, đặc biệt là đồng bào ở dọc theo tuyến biên giới, thực hiện các vấn đề về nhân quyền, tôn giáo, phân biệt chủng tộc và các thỏa thuận quốc tế nhằm bảo đảm quyền con người và vấn đề di cư hợp pháp, có trật tự trên toàn cầu.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cũng lưu ý, các tỉnh cần cố gắng kết nối, hợp tác với các nước bạn Lào, Campuchia trong thực hiện công tác dân tộc đối ngoại, nâng cao nhận thức của đồng bào sống dọc biên giới, thông qua công tác đối ngoại Nhân dân.
Đồng thời, sắp tới triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, các cơ quan làm công tác dân tộc cần nỗ lực, quan tâm nhiều hơn nữa, để bảo đảm quyền lợi của đồng bào DTTS, đặc biệt là nâng cao số lượng cán bộ là người DTTS tham gia vào các cấp chính quyền.