Có dịp về thăm các cơ sở khám, chữa bệnh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS hiện nay, chúng tôi mới thấy hết những khó khăn, vất vả của đội ngũ y, bác sĩ và người dân trong công tác khám, chữa bệnh. Khó khăn rõ nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế vẫn còn thiếu thốn, chưa đồng bộ; đội ngũ y, bác sĩ còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu; nhận thức của người dân trong công tác khám, chữa bệnh còn hạn chế…
Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đăk Lăk chia sẻ, hiện nay nhiều cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động lâu năm đã xuống cấp, nhiều trang thiết bị đầu tư chưa đồng bộ gây nên một số khó khăn trong việc khám, chẩn đoán và điều trị bệnh. Theo ông Nay Phi La, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở khám, chữa bệnh miền núi, vùng khó khăn. Quan tâm đến chế độ phụ cấp đối với viên chức công tác trong lĩnh vực y tế, nhân viên y tế thôn, buôn trên địa bàn các tỉnh miền núi khó khăn. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tốt chính sách ưu đãi hỗ trợ và thu hút bác sĩ về công tác tại cơ sở...
Những chia sẻ, kiến nghị của ông Nay Phi La cũng là những trăn trở chung của đội ngũ y, bác sĩ đang công tác ở vùng còn nhiều khó khăn. Để giải quyết những khó khăn hiện nay, Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân. Dự kiến dự thảo sẽ được đưa ra thảo luận, cho ý kiến tại Quốc hội trong kỳ họp tới.
Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) có nhiều điểm mới, trong đó chỉ rõ: Ưu tiên bố trí ngân sách nhằm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cơ bản của Nhân dân. Quan tâm dành ngân sách cho việc chăm sóc sức khỏe đối với người có công với cách mạng, trẻ em, người nghèo, nông dân, đồng bào DTTS, Nhân dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) khó khăn và vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn (ĐBKK).
Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định, việc tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực y tế ở vùng có điều kiện KT-XH khó khăn và vùng có điều kiện KT-XH ĐBKK. Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến trên xuống tuyến dưới, từ vùng có điều kiện KT-XH không khó khăn đến vùng có điều kiện KT-XH khó khăn và vùng có điều kiện KT-XH ĐBKK.
Góp ý cho dự thảo Luật này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất cho ngành Y tế cơ sở, Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) còn cần đặc biệt lưu tâm đầu tư cho con người, các nhân viên y tế họ cần có hành lang pháp lý để được đào tạo liên tục, nâng cao chất lượng chuyên môn. Quan tâm hơn đến việc thu hút đội ngũ bác sĩ về công tác tại tuyến huyện, xã, vùng khó khăn…
Có thể thấy rằng, trong điều kiện hiện nay, việc quan tâm, hỗ trợ, ưu tiên cho công tác khám, chữa bệnh ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS là rất quan trọng. Bởi không chỉ giúp người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn mà còn góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, tuyến Trung ương.