Xây dựng cao tốc có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng
Theo Tờ trình của Chính phủ, với vai trò là trục xương sống, dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, để triển khai thành công và sớm hoàn thành theo Kết luận số 18-KL/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ kiến nghị triển khai theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án như Tờ trình của Chính phủ. Về sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn và thu hồi vốn đầu tư, Chính phủ dự kiến phần vốn Nhà nước bổ sung 72.497 tỷ đồng sẽ cân đối từ “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” (Chương trình). Ủy ban Kinh tế nhận thấy Dự án đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới, do đó cần tập trung ưu tiên bố trí vốn từ Chương trình để bảo đảm tiến độ cho Dự án.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ phương án điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 (Kế hoạch) và nguồn vốn đầu tư công trong Chương trình để ưu tiên vốn của Chương trình cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trong 2 năm 2022 - 2023 và sắp xếp lại Kế hoạch để bố trí vốn thực hiện Dự án trong giai đoạn 2024 - 2025.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cho rằng, với vai trò là trục xương sống trong hệ thống giao thông quốc gia, việc đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc - Nam là hết sức cần thiết. Dự án đưa vào sử dụng sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc, quá tải; giảm chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Đại biểu cũng đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đề xuất đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công để bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành tuyến. Dù vậy, Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn ngoài Nhà nước để đầu tư cho các dự án giao thông.
Về quy mô, đại biểu nhất trí nội dung giai đoạn này cần đầu tư xây dựng 756 km, chia làm các dự án thành phần, với quy mô là 6 làn xe, song trước mắt nên đầu tư 4 làn. Bên cạnh đó, đề nghị xem xét quy hoạch tổng thể, đồng bộ, bảo đảm tính lâu dài, bền vững cho việc quy hoạch 6 hay 8 làn xe, tiếp đó cắm mốc để bảo vệ lộ giới và giải phóng mặt bằng. Phương án tốt nhất là nghiên cứu thu hồi luôn và đưa diện tích được thu hồi vào trong dải phân cách thì sau này sẽ thuận tiện hơn cho việc mở rộng.
Đề cập đến công tác giải phóng mặt bằng, đại biểu nêu quan điểm: Thực tế cho thấy, công tác này có ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án. Nếu làm không tốt còn là nguyên nhân làm giảm sự đồng thuận của người dân. Vì vậy, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong giải phóng mặt bằng.
Phương án Chính phủ đưa ra là phù hợp
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đồng tình với chủ trương xây dựng cao tốc và cho rằng, Dự án sẽ tạo thuận lợi cho các địa phương.
Về thiết kế hướng tuyến, Chính phủ đề nghị thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc với tốc độ tối đa 120 km/giờ. Đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về vận tốc tối đa cho phép nhằm bảo đảm tính phù hợp, chủ động, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tuyến đường cao tốc định hướng dài hạn đến năm 2050.
Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tính phù hợp với thiết kế quy mô 4, 6, 8, 10 làn xe vì giải phóng mặt bằng thực hiện một lần cho cả dự án, cần chính xác quy mô với các làn xe tối đa cho phép phù hợp với tiềm năng vận hành, khả năng trung chuyển của đường cao tốc…
Liên quan đến giải phóng mặt bằng, đại biểu Đinh Thị Phương Lan chỉ rõ mức độ tác động lớn, trải dài qua nhiều tỉnh, thành phố. Do đó, Chính phủ cần có giải pháp chủ động, cân nhắc dự kiến nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng trong dự án tái định cư là hơn 19.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả dự trù chi phí trồng rừng thay thế, hỗ trợ chuyển đổi đất lúa 2 vụ với số hộ bị ảnh hưởng gần 15.000 hộ, số hộ tái định cư gần 12.000 hộ để có cân đối phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu rõ, Tờ trình của Chính phủ đã phân tích, lý giải việc chọn hình thức đầu tư công trên cơ sở những kinh nghiệm rút ra từ triển khai thực hiện từ giai đoạn trước. Bên cạnh đó, với tính cấp bách của dự án trong tổ chức thực hiện, sự cần thiết đầu tư theo hình thức này là đúng.
Mặc dù Nhà nước đã dùng ngân sách để đầu tư, nhưng Chính phủ đã đưa ra giải pháp thu hồi vốn bằng cách sau khi Dự án hoàn thành sẽ tổ chức chuyển nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn. Đây là một hình thức xã hội hóa trong đầu tư.
Đại biểu cho rằng phương án Chính phủ đưa ra là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần bảo đảm minh bạch trong tổ chức thực hiện để không thất thoát nguồn lực đầu tư của Nhà nước.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng nên đầu tư công toàn bộ Dự án vì Dự án có mức tổng đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài nên kêu gọi đầu tư PPP trong thời điểm hiện nay sẽ rất khó cho nhà đầu tư. Nếu tiếp tục kêu gọi sẽ kéo dài thời gian, khó hoàn thành mục tiêu Dự án đề ra. Nếu không kêu gọi thì lại không đúng theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội về xã hội hóa trong kế hoạch đầu tư.
Để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, việc Chính phủ đề xuất triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần; sau khi hoàn thành nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn cho Nhà nước là ý tưởng có thể làm được dù chưa có tiền lệ, chưa có cơ chế về chính sách này./.