Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Ước mơ về "mái ấm" của nhiều hộ đồng bào DTTS ở Gia Lai đã thành hiện thực

Ngọc Thu - 13:29, 21/10/2024

Nhằm giúp các hộ nghèo người DTTS có mái ấm để an cư, thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh Gia Lai đã tích cực huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở, tạo điều kiện giúp cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.

Những căn nhà được xây dựng mới kiên cố mang lại niềm vui, cuộc sống ổn định cho người dân nghèo DTTS vùng biên giới Ia Mơ, huyện Chư Prông
Những căn nhà được xây dựng mới kiên cố mang lại niềm vui, cuộc sống ổn định cho người dân nghèo DTTS vùng biên giới Ia Mơ, huyện Chư Prông

Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Dự án 1 trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: Từ năm  2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719). Sau hơn 3 năm triển khai, Dự án đã tạo động lực giúp người dân tại các khu vực khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhiều năm nay, bà Hanh (dân tộc Ba Na, làng H’de, xã Đăk Tơ Ve, huyện Chư Păh) dẫu cố gắng làm thuê làm mướn, nhưng dành dụm mãi cũng chẳng đủ để sửa lại căn nhà. Nhà neo đơn có 2 mẹ con, bản thân lại hay đau ốm nên cuộc sống vốn đã khốn khó lại càng khó hơn. Chính vì thế, mong muốn có được căn nhà kiên cố lại càng xa vời đối với bà Hanh.

 Bà Hanh làng H'de (xã Đăk Tơ Ve, huyện Mang Yang) được quan tâm, hỗ trợ nhà ở để ổn định cuộc sống
Bà Hanh làng H'de (xã Đăk Tơ Ve, huyện Mang Yang) được quan tâm, hỗ trợ nhà ở để ổn định cuộc sống

Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, tháng 7/2023, UBND xã Đăk Tơ Ve đã hỗ trợ bà Hanh hơn 40 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà mới kiên cố từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719. Cùng với số tiền bà tích cóp bấy lâu, ngôi nhà khang trang rộng chừng 50 mét vuông đã hiện diện, biến ước mơ của bà Hanh thành hiện thực.

“Có nhà mới rồi, mình không còn phải lo mỗi khi mưa bão về, bản thân mình cũng bớt đi gánh nặng khi tuổi già. Giờ mình yên tâm tập trung đi làm, kiếm tiền lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn với mong con sau này có cuộc sống ổn định hơn”, bà Hanh phấn khởi nói.

Cùng với Chương trình MTQG 1719, sau hơn 3 năm triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2021 - 2024), tỉnh Gia Lai đã vận động, hỗ trợ xây dựng được 622 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo với tổng số tiền hơn 21,2 tỷ đồng.

Bên cạnh nguồn lực từ các Chương trình MTQG, những năm qua, tỉnh Gia Lai cũng tích cực kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ giúp hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS có nhà ở.

Gia đình bà Rlan H’Mim (làng Thơ Ga B, xã Chư Don, huyện Chư Pưh) thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Chồng bỏ nhà đi từ lâu, nhiều năm qua, bà phải làm thuê để nuôi 3 đứa con nhỏ. Cả nhà 4 mẹ con ở trong căn chòi tạm khoảng 9 mét vuông, khung cột gỗ đã bị mối mọt, xung quanh quây bằng những tấm bạt đã mục nát, mưa tạt gió lùa quanh năm.

Nhờ sự hỗ trợ của ngành Điện lực, hộ nghèo DTTS ở huyện Mang Yang đã có căn nhà khang trang
Nhờ sự hỗ trợ của ngành Điện lực, hộ nghèo DTTS ở huyện Mang Yang đã có căn nhà khang trang

Bởi vậy, khi được Công ty Điện lực Gia Lai xây tặng căn nhà mới khang trang có diện tích 35 mét vuông, với tổng kinh phí 65 triệu đồng, bà H’Mim không dấu nổi niềm vui trên khuôn mặt rám sạm của mình. Bà H’Mim bày tỏ: “Tôi chưa bao giờ dám mơ tới việc mình sẽ có ngôi nhà xây kiên cố như vậy. Bây giờ đã có nhà mới, mẹ con tôi yên tâm hơn để tiếp tục cố gắng vươn lên thoát nghèo”.

Nói về việc hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình khó khăn, ông Lê Quang Trường, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Điện lực Gia Lai, cho biết: “Hằng năm, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Công ty trao tặng 5 căn nhà cho các hộ đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tổng cộng có 34 căn nhà được trao tặng cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách, người DTTS với tổng số tiền gần 2,5 tỷ đồng. Nhà đảm bảo tiêu chí “3 cứng”: nền cứng, kết cấu tường cứng và mái cứng”.

Ngoài ra, nhiều hộ DTTS có hoàn cảnh khó khăn được các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh ủng hộ kinh phí để giải quyết khó khăn về nhà ở. Mới đây, gia đình ông Rmah Pek (làng Lũh Ngó, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) được Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên và Quỹ “Vì người nghèo” huyện Chư Pưh xây tặng ngôi nhà rộng 40 mét vuông, với kinh phí hơn 60 triệu đồng…

Những căn nhà được xây dựng mới kiên cố được xây lên đã mang lại niềm vui và mở ra cơ hội, cuộc sống mới cho nhiều hộ nghèo là đồng bào DTTS. Việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, không chỉ góp phần cùng địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội mà còn góp phần thu hẹp khoảng cách vùng, miền. 

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, nhiều hộ nghèo đồng bào DTTS đã được an cư, lạc nghiệp
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, nhiều hộ nghèo đồng bào DTTS đã được an cư, lạc nghiệp

Theo thống kê từ Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, năm 2022, toàn tỉnh có 6.710 hộ thiếu nhà ở. Theo kế hoạch triển khai Chương trình MTQG 1719, toàn tỉnh sẽ có 3.425 hộ được hỗ trợ nhà ở. Đến thời điểm này, 1.504 hộ được hỗ trợ nhà ở, đạt 43,91%.

Ông Huỳnh Kim Đồng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, thông tin: Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ DTTS nghèo trong thời gian qua, cơ bản đã giúp bà con có cuộc sống ổn định, yên tâm phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Theo Quyết định số 4/2023/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính thì định mức hỗ trợ của Nhà nước đối với đất ở, nhà ở là 44 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, so với thực tế thì mức hỗ trợ này khá thấp. Hiện nay, tỉnh Gia Lai đã kiến nghị Trung ương nâng định mức hỗ trợ về đất ở, nhà ở lên gấp đôi trong giai đoạn 2026 - 2030 để người dân có điều kiện mua được đất ở, đất sản xuất, làm nhà ở ổn định cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.